Cà Lúi vui có đường bê-tông

NDO -

Trước mùa mưa năm nay, người dân xã đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn Cà Lúi, huyện Sơn Hoà, Phú Yên sẽ có được con đường mới thênh thang về tận trung tâm.

Con đường bê-tông dài 12 km, rộng 6,5m chạy qua các triền đồi ở Cù Lúi.
Con đường bê-tông dài 12 km, rộng 6,5m chạy qua các triền đồi ở Cù Lúi.

 Kết hợp với các nhánh bê-tông xương cá về đến tận các thôn buôn. Hệ thống giao thông là huyết mạch mở ra hướng phát triển nhanh và bền vững cả về kinh tế và an sinh xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi, niềm mơ ước nghìn đời của hàng trăm hộ dân nơi còn nhiều khó khăn nay đã trở thành hiện thực.

Con đường bê-tông dài 12 km, rộng 6,5m chạy qua các triền đồi có sự góp sức của người dân. Tuyến đường bắt đầu từ Trà Kê, là trung tâm cụm ba xã: Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân nối về trung tâm xã đang dần được thông suốt, băng qua những cánh đồng bạt ngàn màu xanh của rừng trồng, của mía, sắn. Nhà cửa, hàng quán, mọi hoạt động mua bán, vận chuyển nông sản cũng vì thế mà trở nên tấp nập, rộn ràng hơn. Tuyến đường mới làm, mở ra cơ hội cho 600 hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã vùng cao Cà Lúi trong tương lai để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Nhà gần đường, chị Vi Thị Nhung, vừa mở quầy tạp hóa kinh doanh không dấu được niềm vui: “Giờ sướng hơn nhiều rồi. Đường tốt, xe cộ chạy qua liên tục. Hàng hóa nhờ vậy mà phong phú hơn. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt của người dân vùng cao cũng tương đối đầy đủ, tươi hơn nên bà con không phải đi xa nữa. Buôn bán qua đây cũng rất thuận lợi. Thật không giám nghĩ tới được như ngày hôm nay".

Cà Lúi vui có đường bê-tông -0
 

Vốn chứng kiến cảnh đi lại khó khăn trong những năm qua, ông Ma Thanh cũng vui không kém: “Lâu giờ, đường được sửa đi, sửa lại nhiều lần nhưng cũng chỉ là con đường đất. Lũ trẻ, học sinh, chúng nó vui lắm, đi học chuyên cần hơn, vui hơn. Giờ chỉ lo sản xuất, chăm cái ruộng mía, rẫy sắn mì vận chuyển về nhà máy, bớt chi phí, giảm thất thoát sản lượng, tăng thu nhập”, ông Ma Thanh phấn khởi nói.

Cùng chia vui với bà con, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Sơn Hòa cho biết: “Tuyến  đường dài 12 km thôi, nhưng huyện rất trăn trở vì nhiều năm qua không tìm ra được nguồn vốn đầu tư tuyến đường này, mặc dù trước đó nó được sửa chữa liên tục nhưng cũng chẳng hiệu quả vì nắng bụi, mưa lầy, gây khó khăn cho người dân đi lại, đặc biệt là đối với các thầy, cô giáo ở thị trấn lên đây dạy. Xuất phát từ trăn trở này, huyện đã đề nghị và huy động nhiều nguồn vốn từ tỉnh, huyện và sức dân nên cuối cùng cũng vận động được nguồn vốn 9,7 tỷ đồng, bảo đảm hoàn thành toàn tuyến trước mùa mưa năm nay”.

Ông Sô Minh Hương, Chủ tịch UBND xã Cà lúi cho biết thêm: Con đường hình thành sẽ giảm được gần 50% chi phí vận chuyển nông sản cho bà con. Toàn xã có 95 hả lúa nước, 350 ha mía, 235 ha sắn, chăn nuôi gần 2.000 con bò. Tuyến đường sẽ là điều kiện rất tốt để phát triển kinh tế hộ gia đình. Kết hợp với hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ trước đây, Cà Lúi phấn đấu từ nay đến năm 2025, bình quân mỗi năm giảm 3% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng từ 29 triệu/năm từ năm 2019 lên hơn 30 triệu đồng vào năm 2025.