Bệnh viêm da nổi cục lây lan trên diện rộng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây nên hôm nay (22-4), nhiệt độ các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tăng, trời nắng nóng. Riêng khu vực Tây Bắc Bộ và vùng núi phía tây của Bắc Trung Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất từ 35-36 độ C. Nắng nóng còn tiếp tục xảy ra tại Bắc Bộ và Trung Bộ trong những ngày tới.

Cán bộ thú y xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò. Ảnh: Văn Tư
Cán bộ thú y xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò. Ảnh: Văn Tư

★ Chỉ số tia cực tím ở khu vực Bắc Bộ đang giảm dần. Ngày 21-4, chỉ số tia cực tím ở các tỉnh, thành phố miền bắc phổ biến ở mức rất cao nhưng giảm xuống mức cao từ hôm nay (22-4).

★ Cơn bão Surigae đang hoạt động trên vùng biển phía đông của Phi-li-pin. Dự báo, do ảnh hưởng của rìa xa phía tây hoàn lưu cơn bão Surigae nên hôm nay (22-4), ở vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Ðông có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, biển động; sóng biển cao từ 2 - 3 m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 1.

★ Ngày 21-4, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, từ ngày 15 đến 19-4 trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra mưa kèm theo dông lốc gây thiệt hại 74ha diện tích lúa và cây lâm nghiệp. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, tỉnh đã chỉ đạo địa phương khẩn trương huy động lực lượng giúp đỡ nhân dân khắc phục kịp thời hậu quả do dông lốc gây ra, sớm ổn định cuộc sống.

★ Trong những ngày qua, mưa lớn xuất hiện trên diện rộng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp nguồn nước ngọt đáng kể để hạ độ mặn trên các tuyến sông. Theo đó, trong tuần qua, độ mặn từ 11,8‰ đã giảm xuống còn 6‰. Mưa lớn cũng giúp nông dân thuận lợi hơn khi xuống giống vụ lúa hè thu. Từ nay đến cuối tháng 4 và sang tháng 5-2021, xâm nhập mặn ở các cửa sông sẽ tiếp tục giảm dần.

★ Năm nay, mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng bắt đầu sớm hơn so trung bình nhiều năm, từ nửa cuối tháng 4 đầu tháng 5. Còn tại Bắc Bộ, từ nửa cuối tháng 8 trở đi có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn trên diện rộng. Từ tháng 9 trở đi mưa sẽ chuyển dịch dần về phía các tỉnh miền trung.

★ Trước việc bệnh viêm da nổi cục (VDNC) tiếp tục lây lan trên diện rộng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương chủ động trong công tác phòng, chống; đồng thời khuyến cáo nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng. Từ đầu năm đến nay, bệnh VDNC xảy ra tại 1.020 xã, 158 huyện của 25 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 27.247 con, trong đó số chết và tiêu hủy là 2.220 con. Dịch bệnh hiện đang xảy ra nặng nhất ở ba tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình.

★ Theo Cục Thú y, kết quả đánh giá hiệu lực, giám sát sau tiêm phòng đối với các loại vắc-xin phòng bệnh VDNC trong thời gian qua cho thấy các địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò có thể lựa chọn vắc-xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ, Mevac LSD của Ai Cập để tổ chức tiêm phòng khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh VDNC.

★ Hiện nay, tình hình dịch bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi. Tính đến nay, tổng số trâu, bò mắc bệnh là 758 con; trong đó đã chết và buộc tiêu hủy 19 con. Trước tình hình nêu trên, các ngành chức năng đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ngăn ngừa sự lây lan, bùng phát bệnh trên diện rộng…

★ Hơn một tháng nay, dịch VDNC trên gia súc đã lây lan rộng trên địa bàn huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện đã có hàng nghìn con trâu, bò nhiễm bệnh, nhiều con bị chết, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

★ Tại tỉnh Hà Giang, đến nay đã có 27 con bò bị mắc bệnh VDNC và tiếp tục có nguy cơ lây lan ra nhiều huyện. Tại các địa phương có bò bị mắc bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập đoàn công tác trực tiếp kiểm tra thực tế tại cơ sở, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

★ Tại tỉnh Quảng Nam, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, TP Ðà Nẵng, Hải đoàn 48 Bộ đội Biên phòng phối hợp Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 vừa tổ chức hội nghị sơ kết quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển năm 2020. Hội nghị ghi nhận các lực lượng có liên quan đã làm tốt công tác kiểm đếm, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền hoạt động trên biển. Qua đó, đã thực hiện 85.865 phiên trực, kêu gọi, hỗ trợ 538.338 lượt phương tiện chủ động phòng tránh bão an toàn.

★ Hiện nay toàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã có 180 ha trong tổng số 220 ha sắn nhiễm bệnh khảm lá. Ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo người dân phải tự nhổ bỏ và tiêu hủy toàn bộ diện tích sắn bị nhiễm bệnh để cải tạo đất chờ đợi mùa sản xuất các cây trồng mới.

★ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, chiến dịch "Giảm thiểu vi phạm về động vật hoang dã" tại Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng và Quảng Nam giai đoạn 2019-2020 do ENV phối hợp chính quyền, cơ quan chức năng của ba địa phương thực hiện đã cho kết quả rất tích cực. Theo đó, các cơ quan chức năng ở TP Huế, Ðà Nẵng và Tam Kỳ (Quảng Nam) đã xóa bỏ thành công 86,3% dấu hiệu vi phạm về động vật hoang dã được phát hiện qua chiến dịch. Ðà Nẵng đạt tỷ lệ xử lý thành công cao nhất với mức 94%, Huế là 88% và Tam Kỳ là 77%.

★ Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tiền Giang sẽ chuyển đổi cây trồng trên tổng diện tích 3.290 ha đất trồng lúa tại những địa bàn khó khăn sang những cây trồng phù hợp, hiệu quả khác. Trong đó, chuyển sang trồng màu 1.072 ha, chuyển sang trồng cây ăn quả và cây lâu năm trên diện tích 1.622 ha, còn lại trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

★ Tỉnh Cà Mau vừa có văn bản chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh về việc chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt. Theo đó, theo dõi chặt chẽ thông tin khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn do các cơ quan chuyên cung cấp và có giải pháp chủ động ứng phó hiệu quả, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại gây ra.

Mưa lớn làm tràn cát tại Bình Thuận

Rạng sáng 21-4, sau cơn mưa lớn kéo dài từ tối hôm trước, một vụ sạt lở cát nghiêm trọng lấp một phần đường du lịch ven biển Huỳnh Thúc Kháng, thuộc phường Mũi Né, TP Phan Thiết (Bình Thuận) với chiều dài hơn 200 m, nhiều chỗ có cát lấp dày 2 m đã gây ách tắc giao thông nhiều giờ, mọi phương tiện giao thông đi qua khu vực bị tê liệt hoàn toàn. Nguyên nhân được xác định do nước mưa từ trên đồi cao hơn 25 m của Dự án Goldsand Hill Villa do Công ty TNHH Lộc Tú làm chủ đầu tư chảy xuống kéo theo một khối lượng cát rất lớn tràn xuống. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng một xe ô- tô và nhiều xe gắn máy hư hỏng do bị vùi lấp.

Ngay sau khi dứt mưa, chủ đầu tư dự án đã huy động phương tiện đến hiện trường cào cát giải phóng mặt đường. Ðến khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, giao thông trên tuyến đường này tạm thời được khắc phục.

PV