Bến xe Miền Đông mới vắng khách

Sau gần nửa năm đưa vào khai thác, Bến xe Miền Đông mới, nằm trên địa bàn TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) vẫn vắng bóng hành khách, trái ngược với kỳ vọng đáp ứng nhu cầu đi lại của hàng chục nghìn hành khách mỗi ngày mà các cơ quan chức năng đặt ra ban đầu. Để giải quyết tình trạng này, góp phần đem lại hiệu quả cho bến xe mới, rất cần sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.

Bến xe Miền Đông mới khang trang, hiện đại nhưng vắng khách.
Bến xe Miền Đông mới khang trang, hiện đại nhưng vắng khách.

Bến xe vắng bóng người
 
 Mặc dù là thứ bảy cuối tuần nhưng bên trong sảnh bán vé và nhà chờ rộng hàng nghìn mét vuông của Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới không một bóng người. Tại khu vực bán vé chỉ có hai nhân viên ngồi trực nhưng không có hành khách nào đến quầy mua vé. Mãi đến 11 giờ trưa, chiếc xe khách đầu tiên mới đi vào sân đỗ, sau đó phụ xe đến quầy bán vé để lấy lệnh xuất bến. Chỉ vào chiếc xe giường nằm 50 chỗ (hãng xe Tư Việt) chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, phụ xe lắc đầu: “Xe chỉ có bốn hành khách đi Hà Nội, bằng một phần tư lượng khách so với trước đây lúc xe còn xuất bến ở BXMĐ cũ. Hành khách chê đường xa nên không đi, nhà xe cũng chỉ biết cầm cự chứ không còn cách nào khác”. Lái xe chuyến xe này chia sẻ thêm, với tình trạng hành khách thưa thớt kiểu này, nhà xe cũng chỉ còn biết đón khách dọc đường để bù lại, nếu không chắc chắn chạy chuyến nào lỗ chuyến đó. Theo bộ phận điều hành của BXMĐ mới, từ khi đưa vào khai thác thời điểm tháng 10 - 2020 đến nay, trung bình chỉ có 20 chuyến xe xuất bến mỗi ngày (tuyến xe từ Quảng Trị trở ra phía bắc), giảm gần một phần tư số chuyến so với BXMĐ cũ. Phân tích nguyên nhân bến xe vắng khách, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên BXMĐ mới Tạ Thương Chín, cho rằng: Một phần hành khách chưa quen với việc di chuyển quãng đường khá xa, hơn 17 km từ bến xe cũ ra bến xe mới để đi xe khách, một phần do hạ tầng giao thông kết nối từ bên ngoài xa lộ Hà Nội vào bến xe mới chưa hoàn chỉnh cho nên khó thuyết phục để hành khách sử dụng bến xe mới.
 
 Thực hiện quy định của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, giai đoạn đầu BXMĐ mới chỉ tổ chức cho 22 tuyến xe khách đi các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía bắc, có cự ly tuyến 1.100 km trở lên hoạt động. Sau khi hoạt động ổn định, các tuyến còn lại sẽ được di dời ra BXMĐ mới. Cũng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) vận tải và tạo thói quen đi lại của người dân, trong thời gian ba tháng kể từ ngày 10-10-2020, Ban Quản lý BXMĐ mới cho các đơn vị vận tải tạm thời được tiếp tục lưu đậu và đón trả khách tại BXMĐ cũ trước khi đến bến xe mới hoàn tất các thủ tục xuất bến theo quy định. Tuy nhiên, từ ngày 13-3-2021, Sở GTVT thành phố đã có thông báo yêu cầu Công ty TNHH một thành viên BXMĐ thông tin việc chấm dứt thời gian lưu đậu và đón trả khách tại BXMĐ cũ đối với các tuyến vận tải hành khách được di dời giai đoạn 1 và phải chuyển qua đón khách và xuất bến tại BXMĐ mới.
 
 Về chủ trương này, ông Nguyễn Văn Hồng, quản lý hãng xe Hiền Phước tại TP Hồ Chí Minh nhận định: Việc Sở GTVT cho các DN vận tải được đón trả khách tại BXMĐ cũ trước khi đến BXMĐ mới để xuất bến rất hợp lý vì cần thời gian cũng như để tạo thói quen đối với những người chưa muốn di chuyển xa ra nội đô để đi xe khách nhưng trên thực tế việc hỗ trợ này vẫn chưa thể vực dậy doanh số cho các DN vận tải chạy các tuyến phía bắc vì lượng khách rớt thê thảm. Theo ông Hồng, thực hiện chủ trương di dời bến xe của thành phố, các DN kinh doanh vận tải đều đồng tình ủng hộ nhưng làm sao thành phố phải giải quyết căn cơ tình trạng “xe dù”, xe đội lốt hợp đồng vẫn đang ngang nhiên hoành hành để các hãng xe làm ăn chân chính yên tâm hoạt động. Mặt khác, ngành GTVT thành phố nhanh chóng giải quyết việc kết nối hạ tầng chung quanh vào khu vực BXMĐ mới, tăng cường thêm các tuyến xe buýt để hỗ trợ nhu cầu di chuyển của hành khách từ khu vực trung tâm thành phố ra BXMĐ mới. Ghi nhận thực tế, hiện công trình hầm chui (do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố đầu tư) dẫn từ xa lộ Hà Nội vào BXMĐ mới đã thi công xong nhưng chưa đưa vào sử dụng; tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên có nhà ga kết nối với khu vực bến xe thì trong năm 2022 mới có kế hoạch khai thác thương mại… Đây chính là những hạn chế khiến người dân thành phố chưa mặn mà đến BXMĐ mới.
 
 Cần nhiều giải pháp đồng bộ
 
 Để hỗ trợ hành khách di chuyển từ trong nội đô ra BXMĐ mới, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã tổ chức các chuyến xe buýt (tuyến 93) có lộ trình đi qua BXMĐ cũ và kết nối thẳng vào BXMĐ mới. Tuy nhiên, điểm hạn chế là tuyến xe buýt này kết thúc hoạt động trước 21 giờ hằng ngày cho nên không thể phục vụ hành khách đi từ phía bắc trở về bến xe vào khung giờ khuya hoặc sáng sớm. Đại diện hãng xe Hiền Phước cho hay, các chuyến xe từ miền bắc vào TP Hồ Chí Minh thường đến bến lúc hai, ba giờ sáng, do đó hành khách muốn di chuyển vào trung tâm thành phố lại không có phương tiện nào khác ngoài đi ta-xi với chi phí khá cao lên đến vài trăm nghìn đồng. Vì vậy, đối với hành khách đi đoàn từ 4 đến 5 người cùng về một địa điểm, nhà xe buộc phải bố trí xe trung chuyển để hỗ trợ. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) Tăng Thị Thu Lý, chia sẻ: Với kinh phí đầu tư hơn 700 tỷ đồng giai đoạn 1, BXMĐ mới đã đáp ứng đầy đủ về hạ tầng, dịch vụ và tiện ích để phục vụ hành khách đi lại. Tuy nhiên, với một số hạn chế như hiện nay, đơn vị đã có kiến nghị Sở GTVT thành phố và các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng để kết nối hạ tầng giao thông một cách đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho hành khách và DN vận tải tham gia khai thác BXMĐ mới hiệu quả nhất.
 
 Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng cho biết: Hiện tại các đơn vị cần dồn sức tập trung hoàn toàn vào khai thác BXMĐ mới để thực hiện đúng chủ trương của thành phố về việc di dời bến xe cũ, giảm ùn tắc giao thông ở khu vực nội đô. Do đó, Sở GTVT thành phố đã có đề nghị chủ đầu tư dự án là Samco, Công ty TNHH một thành viên BXMĐ là đơn vị khai thác, chủ động xây dựng cụ thể, chi tiết về chính sách, phương án di dời hoạt động tại BXMĐ hiện hữu và BXMĐ mới. Sở GTVT cũng đề nghị Công an thành phố, Thanh tra Sở GTVT, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục phối hợp, vận dụng quy định pháp luật hiện hành để xử lý quyết liệt, triệt để các điểm đón trả khách hoạt động không đúng quy định.
 
 Việc đầu tư xây dựng BXMĐ mới, đưa vào khai thác vận hành được xem là đột phá để thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, xóa bỏ tình trạng “xe dù, bến cóc” tạo bộ mặt đô thị văn minh hiện đại cho TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, BXMĐ mới cũng được kỳ vọng là bến xe phục vụ liên vận quốc tế và đưa khách đến sân bay Long Thành trong tương lai gần. Tuy nhiên, để công trình BXMĐ mới nhanh chóng khai thác hết công suất, thật sự phát huy hiệu quả, rất cần sự quyết liệt trong công tác di dời của thành phố; sự tham gia phối hợp của các cơ quan chức năng, nhất là việc ưu tiên đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, tăng cường công tác phục vụ và tuyên truyền sử dụng BXMĐ mới đến nhân dân thành phố.

 Sau gần bốn năm thi công, BXMĐ mới đã hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào khai thác vận hành vào tháng 10 - 2020. Công trình giai đoạn 1 bao gồm các hạng mục như: nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu, trạm xử lý nước thải... Dự án BXMĐ mới là một quần thể phức hợp bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích với tổng diện tích hơn 16 ha (gần gấp ba lần so với BXMĐ cũ). Tổng kinh phí đầu tư dự kiến toàn dự án khoảng 4.000 tỷ đồng.