Bất cập về kết nối giao thông tại các khu công nghiệp ở Ðồng Nai

Tỉnh Ðồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Tuy nhiên, do quy hoạch thiếu tầm nhìn, việc kết nối giao thông tại một số KCN chưa đồng bộ, hình thành những cung đường ám ảnh về ùn tắc và tai nạn giao thông trong đó nhức nhối nhất là đường Bùi Văn Hòa (TP Biên Hòa).

Ngập nước trên đường Bùi Văn Hòa, TP Biên Hòa (Ðồng Nai) trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Ngập nước trên đường Bùi Văn Hòa, TP Biên Hòa (Ðồng Nai) trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

Thời gian gần đây, mỗi khi mưa lớn, tình trạng úng ngập trên đường Bùi Văn Hòa, thuộc địa phận hai phường Long Bình và Long Bình Tân (TP Biên Hòa) ngày càng trở nên nghiêm trọng. Mới đây nhất, sau trận mưa lớn kéo dài hơn hai giờ, giao thông qua tuyến đường này bị tê liệt hoàn toàn. Nhiều người điều khiển xe máy bị dòng nước dâng cao cuốn đi, dạt vào vỉa hè. Hàng nghìn hộ dân sống hai bên đường bị nước tràn vào nhà, nhiều tài sản bị hư hỏng. "Cuộc sống của chúng tôi ở đây rất khổ. Cứ mỗi trận mưa lớn kéo dài chỉ khoảng 30 phút là nước ngập lưng nhà, đồ đạc hư hỏng hết. Tình trạng này xảy ra nhiều năm rồi, dân kêu hoài nhưng không thấy chính quyền có giải pháp gì", anh Ðào Tiến Dũng, người dân sống ở phường Long Bình Tân chia sẻ. Tình trạng úng ngập trên đường Bùi Văn Hòa gây ra nhiều hệ lụy, nhất là những lúc cao điểm khi công nhân đi làm và tan ca. "Có hôm mưa xong, sáng sớm ra khỏi nhà thấy đường ngập như sông, tôi không có cách nào lội qua dòng nước để đến công ty. Mưa vào buổi chiều còn khổ hơn, đường ngập gần đến bụng, giao thông ùn tắc tê liệt, nhà tôi ở cách chỗ làm chỉ 3 km, nhưng đến tối mịt vẫn chưa về được đến nhà. Người dân chỉ mong cơ quan chức năng xem xét, sớm có kế hoạch mở rộng đường, làm lại hệ thống thoát nước", anh Lê Anh Ðức, công nhân trong KCN Loteco nói.

Không chỉ xảy ra úng ngập, hằng ngày tuyến đường này còn phải oằn mình gánh hàng nghìn lượt xe công-ten-nơ, xe tải ra vào từ ba KCN (Biên Hòa II, Loteco, Agtex Long Bình) và cảng cạn ICD Tân Cảng - Long Bình. Do mật độ phương tiện quá đông, đường hẹp, nhiều lái xe đã bất chấp các quy định về an toàn giao thông, điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, gây ra những vụ tai nạn chết người thương tâm. Thậm chí, nhiều trường hợp không làm chủ được tay lái, lao lên vệ đường, tông sập nhà khiến người dân luôn sống trong tình trạng bất an. Anh Ðỗ Văn Chính, nhà ở mặt tiền đường Bùi Văn Hòa cho biết, ngay cả ở trong nhà, anh cũng thấy nơm nớp, chỉ sợ bác tài nào không làm chủ được tay lái, tông xe thẳng vào trong nhà. Con đường này hẹp, luôn trong tình trạng quá tải vì xe trọng tải lớn chở hàng hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Nhiều nhà ở mặt phố nửa đêm bị xe tông sập cửa. Có việc phải ra đường mới hãi, các loại xe lưu thông dày đặc, ùn tắc liên miên, tai nạn, va chạm giao thông như cơm bữa.

Thường xuyên làm nhiệm vụ điều tiết giao thông trên đường Bùi Văn Hòa, Trung úy Phan Nhật Nam, cán bộ Ðội Cảnh sát giao thông (Công an TP Biên Hòa) cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông ở đây không chỉ xảy ra trong những giờ cao điểm mà bất cứ lúc nào trong ngày. Nguyên nhân vì mặt đường quá nhỏ hẹp mà phải cõng một lượng quá lớn phương tiện lưu thông, phần lớn là xe công-ten-nơ và xe tải hạng nặng. Theo anh Trần Văn Dũng, chủ một doanh nghiệp vận tải ở phường Long Bình, đường Bùi Văn Hòa là tuyến cửa ngõ của các KCN và TP Biên Hòa, vì thế, các cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Ðồng Nai cần nhanh chóng xây dựng phương án mở rộng đường mới bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông xảy ra triền miên từ tháng này qua năm khác chưa được cải thiện, không chỉ làm phát sinh chi phí lớn cho đơn vị vận tải, doanh nghiệp sản xuất trong các KCN, mà còn là nỗi khổ của người tham gia giao thông, người dân sống hai bên tuyến đường. Những thiệt hại về thời gian, tài sản và tính mạng của người dân là rất lớn, nếu không kịp thời xử lý, đó sẽ là "nút thắt cổ chai" trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP Biên Hòa cũng như tỉnh Ðồng Nai.

Đường Bùi Văn Hòa có chiều dài gần 6 km, đầu tuyến giao quốc lộ 1 ở vòng xoay Tam Hiệp, cuối tuyến giao với quốc lộ 51, đoạn suối Cầu Quan. Do được xây dựng từ lâu, quy hoạch không theo kịp sự phát triển, mặt đường hiện khá hẹp, lòng đường chỉ rộng khoảng 10 m. Sau khi hàng loạt KCN mọc lên trong khu vực, đường Bùi Văn Hòa lập tức rơi vào tình trạng quá tải. Lưu lượng phương tiện lưu thông ngày càng lớn, nhất là lượng xe công-ten-nơ chở hàng hóa ra vào ba KCN thuộc loại lớn nhất tỉnh Ðồng Nai và cả nước. Nếu KCN Biên Hòa 2, phương tiện còn có các hướng khác thoát ra quốc lộ 1 và quốc lộ 51, thì hai KCN Loteco và Agtex Long Bình, đường Bùi Văn Hòa là tuyến độc đạo để lưu thông ra bên ngoài. Tuyến đường này vốn đã nhỏ, lại không có hệ thống thoát nước là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mỗi khi xảy ra mưa lớn, cả tuyến phố ngập chìm trong biển nước, giao thông tê liệt. Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa Doãn Văn Ðồng nhận định: Hiện trạng của đường Bùi Văn Hòa bị quá tải cả về kết cấu mặt đường và lưu lượng phương tiện, cho nên ùn tắc xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Trước đây khi quy hoạch các KCN, chúng ta thiếu tầm nhìn và chưa tính toán đến việc đầu tư hệ thống giao thông kết nối đồng bộ ở khu vực này.

Ðể khắc phục những bất cập của đường Bùi Văn Hòa, nhiều năm nay các ban ngành chức năng tỉnh Ðồng Nai mới chỉ dừng ở việc sửa chữa chắp vá tạm thời những vị trí bị hư hỏng nặng. Trong khi, đối với dự án mở rộng, nâng cấp đường đã nhiều lần được lãnh đạo tỉnh Ðồng Nai và TP Biên Hòa cùng các sở, ban, ngành liên quan họp bàn, đưa ra các phương án triển khai. Theo quy hoạch thiết kế ban đầu của dự án, sẽ nâng cấp, mở rộng mặt đường Bùi Văn Hòa lên 54 m, quy mô bốn làn xe ô-tô và hai làn xe hỗn hợp. Tuy nhiên, phương án này không khả thi vì kinh phí dự kiến lên đến gần 2.800 tỷ đồng. Sau đó, một phương án khác được đưa ra, giảm bề rộng mặt đường xuống còn 36 m, vẫn giữ quy mô bốn làn xe ô-tô và hai làn xe hỗn hợp, nhưng các hạng mục thoát nước, chiếu sáng, vỉa hè phải điều chỉnh giảm bớt, tổng mức đầu tư giảm còn gần 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, phương án này cũng không khả thi cho nên mới đây, UBND thành phố Biên Hòa lại trình phương án giảm mặt cắt tuyến đường xuống chỉ còn 29 m, vẫn xây dựng bốn làn xe ô-tô và hai làn hỗn hợp nhưng vỉa hè hẹp lại, tổng mức đầu tư dự kiến theo đó cũng giảm xuống còn hơn 830 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Phạm Anh Dũng, tình trạng lấn chiếm của nhiều hộ dân sống hai bên đường đã diễn ra trong thời gian dài, khiến cho công tác khảo sát, lập thiết kế, giải phóng mặt bằng hết sức khó khăn, đẩy tổng mức đầu tư dự án lên quá cao, khiến dự án khó triển khai, không khả thi về nguồn vốn. Tuy nhiên, các đơn vị chuyên môn của thành phố vẫn đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, hoàn thành các thủ tục để sớm triển khai dự án, góp phần giảm ùn tắc giao thông, ngập nước mỗi khi mưa lớn, cũng như giải quyết tình trạng lưu thông cho phương tiện ra vào các KCN. "Với nguồn vốn hơn 830 tỷ đồng, dự án bị cắt xén quy mô ở mức thấp nhất nêu trên nhưng vẫn vượt quá khả năng của ngân sách thành phố. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Ðồng Nai xem xét, bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn của tỉnh cũng đang tập trung cho một số dự án trọng điểm, cho nên vẫn chưa thể sắp xếp được để đầu tư mở rộng tuyến đường Bùi Văn Hòa", ông Dũng cho hay.

Cùng với việc UBND thành phố Biên Hòa gấp rút hoàn tất thủ tục, trình phương án triển khai dự án mở rộng đường Bùi Văn Hòa, Sở Giao thông vận tải tỉnh Ðồng Nai cũng đang tập trung nghiên cứu các hướng lưu thoát cho vận tải hàng hóa từ các tuyến đường kết nối ở khu vực lân cận, nhằm giảm áp lực cho đường Bùi Văn Hòa. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Từ Nam Thành cho biết, Sở đã phối hợp các đơn vị tư vấn, tính toán tuyến kết nối từ đường Võ Nguyên Giáp đi vào khu vực ICD Tân Cảng - Long Bình, sau đó ra đường Ðiểu Xiểng, rồi kết nối với KCN Hố Nai. Ngoài ra, ngành giao thông cũng đang tìm phương án tổ chức giao thông kết nối giữa các KCN Biên Hòa II, Loteco, Agtex Long Bình vào đường ICD Tân Cảng - Long Bình để ra đường Võ Nguyên Giáp.

Thực trạng bất cập ở đường Bùi Văn Hòa hiện nay một lần nữa cho thấy, tầm quan trọng của việc quy hoạch, đầu tư hệ thống giao thông kết nối cần phải đi trước một bước. Nếu không, trong tương lai chắc chắn sẽ có nhiều tuyến đường ở khu vực phát triển KCN sẽ rơi vào tình cảnh tương tự đường Bùi Văn Hòa hiện nay.