Bao giờ phụ nữ di cư trở về làng?

Bài 2: Cần việc làm bền vững

Làn sóng di cư gây nên sự mất cân bằng về lực lượng lao động nông thôn, về tỷ lệ người lao động tại các địa phương và tiềm ẩn nguy cơ lây lan các dịch bệnh cũng như tệ nạn xã hội. Do đó, việc làm cho lao động nữ nói chung và lao động nữ nông thôn nói riêng là cấp thiết, không chỉ bảo đảm giữ gìn hạnh phúc gia đình, tế bào của xã hội, mà còn vì các mục tiêu kinh tế - xã hội, cũng như bảo đảm các điều kiện phát triển bền vững.

Việc làm là một giải pháp để giữ phụ nữ ở lại làng quê. Trong ảnh: HTX sản xuất mây tre đan xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) tạo việc làm cho nhiều phụ nữ. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Việc làm là một giải pháp để giữ phụ nữ ở lại làng quê. Trong ảnh: HTX sản xuất mây tre đan xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) tạo việc làm cho nhiều phụ nữ. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Di cư lao động

Theo báo cáo năm 2016 của Tổng cục Thống kê, mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp 16,3% GDP của Việt Nam nhưng có đến 41,9% lực lượng lao động tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Ở nông thôn, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong nông nghiệp là 63,4%, đóng vai trò quan trọng và chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp.

Thực tế các vùng nông thôn đang có hai xu hướng khá rõ rệt. Tại những xã có cơ cấu kinh tế đa dạng, chuyển đổi nhanh, lao động nữ đang là lực lượng chính thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Tại những xã, huyện đạt tiêu chí nông thôn mới, không khó để gặp những phụ nữ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa ngành nghề. Các chị không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn góp phần bảo tồn được các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Họ đồng thời giữ vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình, tái tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống, là yếu tố quan trọng của nông thôn mới. Trong khi đó, tại những vùng chậm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu nhập từ nông nghiệp không ổn định, người lao động nói chung, phụ nữ di cư nói riêng phải rời quê, tìm việc làm ở các vùng thành thị, khu công nghiệp. Việc di cư lao động không chỉ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đời sống người dân nông thôn mà còn ảnh hưởng đến quá trình cán đích nông thôn mới ở địa phương.

Theo kết quả di cư nội địa quốc gia năm 2015 của Tổng cục Thống kê, Thừa Thiên - Huế là một trong bốn tỉnh có luồng di cư thành thị - nông thôn cao nhất. Cách đây 20 năm, các xã bãi ngang ven biển huyện Phú Lộc muốn qua phá Tam Giang chỉ có phương tiện thuyền, giao thương hầu như khép kín. Người dân nơi đây còn nhớ cảnh tượng vào khoảng 15 năm trước, cứ mồng 4, mồng 5 Tết, hàng chục chiếc xe khách bốn, năm chục chỗ xếp hàng dọc đường lớn, đưa hàng nghìn thanh niên lên Tây Nguyên hoặc vào TP Hồ Chí Minh làm thuê kiếm sống sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Giai đoạn cao điểm, có đến một phần ba số dân xã rời bỏ nhà cửa, lập nghiệp ở những địa phương khác. Cứ như vậy, cả chục năm trời, trên mảnh đất khô cằn, hoang hóa, chỉ còn người già và trẻ em ở lại. Thế nhưng, khi những cây cầu liên xã, huyện đã nối bờ vui, ngành nghề may gia công phát triển, nhiều người đi xa làm ăn khấm khá đã mang nghề may gia công trở về làng. Khi đó, những người tha phương cầu thực xưa lại lục tục quay về, thổi một luồng sinh khí mới cho miền quê vốn còn nhiều gian khó.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vinh Giang Nguyễn Thị Ý phấn khởi: Kể từ ngày ngành nghề may mặc phát triển, chị em trong vùng đi làm mướn được trả công theo sản phẩm, tháng cũng kiếm được năm, sáu triệu đồng. Nếu tay nghề cao có thể lên tới 10 triệu đồng. Gia đình nào muốn bứt phá làm giàu thì đầu tư máy móc, thiết bị thuê lao động quanh vùng. Chính nhờ thế mà bây giờ các chi, tổ hội phụ nữ không còn gặp cảnh sinh hoạt thiếu hội viên như trước.

Với trách nhiệm của mình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm vận động, hỗ trợ phụ nữ nông thôn nâng cao chất lượng đời sống cả vật chất và tinh thần ở khu vực nông thôn, góp phần hạn chế tình trạng phụ nữ di cư. Các cấp hội đã hỗ trợ phụ nữ nông thôn giảm nghèo theo hướng xây dựng các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ nghèo. Đối với di cư trong nước, các mô hình tập hợp phụ nữ tại các khu nhà trọ đang được nhân rộng để tiếp cận tới nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, tại các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho con em các gia đình có mẹ đi làm ăn xa như CLB “khi mẹ vắng nhà”.

Lấp dần khoảng trống chính sách

Phụ nữ rời làng mang theo hy vọng cải thiện thu nhập, cuộc sống. Thế nhưng, trong hành trình tìm kiếm cơ hội ấy, thật gian nan và không dễ dàng do họ là đối tượng dễ bị tổn thương tại nơi đến, do các quyền của họ không được bảo đảm. Vấn đề bình đẳng giới được thể chế hóa trong hầu hết các văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện và cơ hội trao quyền bình đẳng cho cả nam và nữ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội như: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Cư trú, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…

Đáng chú ý, Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007. Tuy nhiên, trong các hệ thống văn bản này, chưa có chính sách mang tính đặc thù đối với đối tượng di cư trong nước. Các nghiên cứu về di cư ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) năm 2016 đều chỉ ra rằng, lao động di cư, nhất là lao động nữ, là một trong những lực lượng lao động chịu nhiều thiệt thòi do mô hình kinh tế tăng trưởng nhanh hiện nay. Mặc dù họ tham gia vào cả lực lượng lao động chính thức lẫn phi chính thức, nhiều lao động di cư không được hưởng những quyền lợi từ các chính sách an sinh xã hội, như lao động, việc làm, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo trợ xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, tiếp cận thông tin...

Bên cạnh đó, thu nhập của họ không ổn định và bấp bênh từ những công việc chỉ được ký hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc thậm chí không có hợp đồng. Nghiên cứu của Tổ chức ActionAid Việt Nam về lao động nữ di cư ở Việt Nam chỉ ra rằng, chỉ có gần 60% số phụ nữ lao động di cư có BHXH và một nửa trong số họ có bảo hiểm y tế, do người sử dụng lao động không chấp hành đầy đủ quy định, người lao động không nhận thức đầy đủ về quyền lợi cho nên không tham gia bảo hiểm, nhất là với lao động thời vụ. Thực trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo đảm sức khỏe, điều kiện kinh tế của phụ nữ di cư. Chính sách BHXH tự nguyện hiện nay chưa hấp dẫn với lao động nữ di cư do mới được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi đó, hai chế độ rất được lao động nữ di cư quan tâm là thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lại không có.

Ngoài ra là sự thiếu vắng các chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên hay đột xuất, chưa có chính sách dành riêng cho người tạm trú ngắn hạn, trong đó có lao động nữ di cư. Thí dụ, có tới 13,2% số trẻ em dưới sáu tuổi con của người lao động di cư không được tiếp cận với dịch vụ giáo dục và y tế do chi phí cao, trong đó có nguyên nhân quan trọng là không có hộ khẩu thường trú. Chính vì vậy, Nhà nước cần phải chú trọng đến việc phát triển hệ thống tư vấn và chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhóm đối tượng này.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho biết: Để lao động nữ di cư cũng như con em họ được tạo điều kiện phát triển toàn diện, trở thành nguồn nhân lực có chất lượng ở nơi đến cũng như ở quê nhà khi họ trở về, chúng tôi cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ tiếp cận công bằng các dịch vụ xã hội, nhất là dịch vụ giáo dục, y tế mà không căn cứ vào hộ khẩu thường trú. Tăng cường mở các khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị; tiếp nhận các kiến thức pháp luật như: các chế độ, chính sách đặc thù đối với lực lượng lao động nhập cư; cách tiếp cận thủ tục, quy định về nhập hộ khẩu, đăng ký khai sinh cho con, đăng ký KT3.

Kỹ năng hội nhập đô thị như: phương thức phòng, chống trộm cướp và kỹ năng tự vệ, tổ chức cuộc sống gia đình, phương pháp giảm stress - tạo cân bằng trong cuộc sống; trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng quản lý thời gian, tiền do người thân gửi về cho con em lao động nữ di cư. Để phát huy vai trò của lao động nữ khu vực nông thôn, bên cạnh những nỗ lực học tập của trẻ em gái, sự mạnh dạn, chủ động tham gia học nghề của lao động nữ khu vực nông thôn, còn cần sự định hướng, quy hoạch của các cấp chính quyền, các ngành hữu quan để môi trường việc làm ở nông thôn vừa đáp ứng yêu cầu thị trường, vừa phù hợp với đặc điểm của các nhóm lao động chính đang sinh sống ở nông thôn hiện nay.

Có thể thấy, ở hầu hết hệ thống chính sách do các bộ, ngành ban hành, có rất ít trọng tâm cụ thể vào vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị. Điều đó, một phần xuất phát từ thực tế là đối tượng di cư trong nước hầu như không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của một bộ, ngành cụ thể nào. Chỉ có một số ít địa phương có chính sách hỗ trợ, quản lý, do thu hút lượng lớn người di cư.

Trong vấn đề di cư, vai trò của chính quyền địa phương cũng rất quan trọng vì đây là cấp có quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến lao động nhập cư. Địa phương nơi có dòng người di cư đổ về cần nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện hơn. Hãy coi họ như nguồn lực cùng chung tay phát triển thành phố. Muốn như vậy, cần kiểm soát ngưỡng di dân tự do dẫn đến sự quá tải của thành phố bằng chính sách phát triển chủ động cho vùng ngoại ô, nông thôn và các thành phố nhỏ và vừa. Việc Nhà nước kịp thời điều chỉnh chiến lược phát triển cho các thành phố nhỏ và vừa có cơ hội phát triển về việc làm, dịch vụ và tiện ích đô thị, sẽ góp phần giảm quá tải dòng người nhập cư tại các thành phố lớn. Tại những địa phương có làn sóng di cư ồ ạt, chính quyền cần phát triển kinh tế, thu hút đầu tư tạo công ăn việc làm tại chỗ bền vững. Tại các địa phương có dòng người di cư ồ ạt cần có sự định hướng, quy hoạch môi trường việc làm ở nông thôn vừa đáp ứng yêu cầu thị trường, vừa phù hợp với đặc điểm của các nhóm lao động chính đang sinh sống ở nông thôn hiện nay.

Khi có việc làm, thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống một cách cơ bản, không một người phụ nữ nào muốn rời bỏ làng quê, tổ ấm của mình đi lang bạt kiếm sống nơi đất khách quê người. Bên cạnh đó, vai trò của các đoàn thể rất quan trọng trong việc tăng tính hòa nhập cộng đồng và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho lao động nhập cư. Với đối tượng phụ nữ di cư, không ai khác, đó chính là các cấp hội phụ nữ.

Tại những làng quê đã và đang tiếp tục có những làn sóng người đổ ra thành phố, chỉ có những người ở lại mới cảm nhận được sự xao xác, bức bối. Họ vẫn tiếp tục phải chờ đợi những bước chân vội vã trở về, vội vã ra đi của người cha, người mẹ, người con mình mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Tìm cách “giữ chân” phụ nữ ở làng, đâu chỉ là trách nhiệm của riêng ai.

Trong giai đoạn nông nhàn, 88% số phụ nữ di cư có thể tìm được việc làm ngay, 80% cho rằng họ tìm kiếm được thu nhập cao hơn ở quê nhà. 80% số phụ nữ lao động di cư thuê nhà trọ cấp bốn tồi tàn, hai phần ba trong số đó là thỏa thuận mồm không có hợp đồng thuê nhà, các chi phí điện nước cao so với thông thường, đời sống tinh thần nghèo nàn do đi làm cả ngày mệt.
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên hợp quốc - 2016

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 19-10-2019.

* Bao giờ phụ nữ di cư trở về làng?