Bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư

NDO -

Số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 100 nghìn người.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Đây là thông tin từ hội thảo “Bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư” do Văn phòng Nhân quyền tổ chức diễn ra ngày 15-1 tại Hải Phòng.

Các đại biểu dự hội thảo đã giới thiệu, chia sẻ những quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta xoay quanh mục tiêu nỗ lực bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư. Đặc biệt là quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài - vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Nhà nước ta đã thể chế hoá thành quy định pháp luật, hợp tác với các nước và khu vực trên thế giới thông qua các điều ước, thoả thuận quốc tế để bảo vệ các quyền và lợi ích của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện trách nhiệm của nhà nước với công dân, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Điều đó đã thể hiện sự ưu việt của chính sách, quyết tâm trong hành động bảo hộ công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của nhà nước ta đối với thế giới, cũng như trong tâm trí của người Việt Nam ở nước ngoài. Đây cũng là động lực khuyến khích sự đóng góp ngày càng nhiều của đồng bào ta ở nước ngoài vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội thảo cũng chia sẻ và trao đổi về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống buôn bán người thông qua lao động di cư; các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; vai trò của các cơ quan báo chí trong tuyên truyền chính sách của nhà nước, góp phần bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư; phản bác lại những quan điểm sai trái của các thế lực thù định về lĩnh vực này...