Bảo đảm an toàn hạ du khi xả lũ hồ chứa

Hồi 11 giờ ngày 29-9, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (Ban Chỉ đạo) có Công điện số 12/CĐ-TW yêu cầu Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà: Kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn công trình và hạ du để sẵn sàng mở cửa xả đáy khi có lệnh của Ban Chỉ đạo. 

Rau màu của người dân trên địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bị héo lá vì ngập úng. Ảnh: HỮU TÙNG
Rau màu của người dân trên địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bị héo lá vì ngập úng. Ảnh: HỮU TÙNG

Mở một cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào hồi 8 giờ ngày 30-9. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, hiện trạng công trình, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo và các cơ quan có liên quan để có quyết định điều hành trong thời gian tới phù hợp tình hình thực tế.

Bảo đảm an toàn hạ du khi xả lũ hồ chứa -0
Hồ thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy. Ảnh: VIỆT LINH 

* Ngày 29-9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) có Thông báo số 395/VPTT gửi Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành phố: Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng  về việc bảo đảm an toàn hạ du khi xả lũ các hồ Sơn La, Hòa Bình.

Theo đó đề nghị, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố: Tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy... biết thông tin xả lũ các hồ thủy điện để chủ động phòng tránh.

Rà soát phương án phòng, chống lũ bảo đảm an toàn cho hạ du, nhất là các trọng điểm đê điều, khu vực sạt lở bờ sông tại tổ 26, phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình và các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng ứng phó.

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tăng thời lượng và tần suất đưa tin trên các phương tiện, nhất là hệ thống phát thanh tại các phường, xã về việc xả lũ các hồ chứa; đồng thời phối hợp các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ cho người dân và các cơ quan, đơn vị liên quan để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra...

* Ngày 29-9, UBND huyện An Phú (An Giang) cho biết, do ảnh hưởng mưa bão nên từ ngày 24 đến 29-9 đã xảy ra ba vụ sụp lún, sạt lở đất tại kênh Cỏ Lau ở hai ấp Phú Thành, Phú Thạnh, xã Phú Hữu; sạt lở sông Hậu đoạn qua xã Quốc Thái với tổng chiều dài hơn 40 m.

Vụ sạt lở đe dọa năm căn nhà ở xã Phú Hữu và một nhà kho ở xã Quốc Thái nên chính quyền địa phương đã huy động lực lượng khẩn trương hỗ trợ sáu hộ dân di dời nhà, nhà kho đến nơi ở tạm an toàn, đồng thời tiếp tục theo dõi để cảnh báo cho người dân trong khu vực nắm rõ tình hình tiếp tục đề phòng.

* Ngày 29-9, UBND xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, khoảng 20 giờ ngày 28-9, tại thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh xảy ra hiện tượng sụt lún nguy hiểm.

Thời điểm đó, người dân nghe tiếng động lớn và phát hiện ngay trước hiên nhà chị Đinh Thị Vân xuất hiện một hố sâu, bán kính chừng 2 m, sâu khoảng hơn 3 m. Ngay trong đêm, chính quyền xã đã huy động lực lượng đến hỗ trợ gia đình chị Vân di chuyển tài sản cần thiết đến tạm trú nơi an toàn.

* Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Cà Mau cho biết, mưa to kèm theo dông lốc trong hai ngày 27 và 28-9 đã làm sập ba nhà dân và làm chìm một tàu cá của ngư dân; gây ngập úng, gãy đổ hơn 1.500 ha lúa, rau màu và làm ngập 1.270 ha bờ bao vuông tôm của người dân trên địa bàn tỉnh…

Ngoài ra, 24 tuyến đường nội ô TP Cà Mau và khoảng 24 km đường giao thông tuyến huyện, xã cũng bị ngập nặng. Các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời, Phú Tân, Cái Nước và TP Cà Mau là những địa phương chịu ảnh hưởng trong đợt mưa lớn kéo dài vừa qua. Hiện, cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương đang khẩn trương giúp người dân khắc phục hậu quả. 

* Những ngày qua, tại tỉnh Ninh Thuận, thời tiết có mưa và gió giật mạnh đã làm hàng trăm héc-ta lúa vụ hè thu trong giai đoạn chín đồng bị ngã đổ, gây thiệt hại cho sản xuất. Qua thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh, số diện tích lúa bị thiệt hại nặng do ngã đổ đã là 400 ha.

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã thu hoạch được khoảng 47.000 ha lúa mùa, đạt 60% diện tích. Hà Nội phấn đấu hoàn thành thu hoạch lúa mùa trước ngày 5-10 để giải phóng đất, phục vụ trồng cây màu vụ đông.

Tái phát dịch tả lợn châu Phi tại Nghệ An

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, dịch tả lợn châu Phi đang tái bùng phát ở tỉnh này. Theo đó, dịch xuất hiện trở lại đầu tháng 9 và bùng phát mạnh sau đợt mưa lũ vừa qua. Đến nay, toàn tỉnh có 35 xã có dịch, trong đó huyện Kỳ Sơn có hai xã; Nghi Lộc sáu xã, Quế Phong  năm xã; Hưng Nguyên tám xã; Quỳ Hợp hai xã; Tương Dương hai xã; Anh Sơn ba xã; TP Vinh ba xã...

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, dự báo trong thời gian tới dịch sẽ bùng phát mạnh hơn. Để phòng, chống dịch hiệu quả, người chăn nuôi cần áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, khi có lợn ốm không được bán, không sử dụng thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn...