Ðại học không phải con đường duy nhất để lập nghiệp

Cánh mạng công nghiệp 4.0 đã và đang có những tác động to lớn, mạnh mẽ đối với nền kinh tế xã hội toàn cầu. Các chuyên gia lao động phân tích, nhận định trong khoảng 10 đến 15 năm tới, cách mạng công nghiệp 4.0 khiến 30% các công việc hiện tại và 40% kỹ năng của lao động không còn phù hợp, buộc phải thay đổi.

Do vậy, đã đến lúc Việt Nam cần tập trung, quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, không thể dựa mãi vào nguồn nhân lực đông, giá rẻ như trước. Muốn như vậy, việc quan trọng hàng đầu đối với nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực là trang bị cho người lao động (NLÐ) các kỹ năng cơ bản để thích ứng.

Một nghiên cứu cho thấy, các quốc gia nếu đầu tư vào trang bị kỹ năng cho NLÐ sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng thêm 2% GDP. Thực tế tại Việt Nam cho thấy, chưa bao giờ, giáo dục nghề nghiệp lại phát triển mạnh mẽ như bây giờ với hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động, việc làm, nhu cầu nhân lực trong và ngoài nước. Kết quả khảo sát năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tỷ lệ học sinh, sinh viên nghề ra trường có việc làm đạt hơn 80%, với mức thu nhập khá, cho thấy sự bứt phá của giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia, trong những năm tới, Việt Nam có thể trở thành một điểm sáng trong bản đồ chuỗi cung ứng trên thế giới và thu hút làn sóng FDI. Ðây là cơ hội tạo ra nhiều việc làm cho lao động kéo theo nhu cầu đào tạo nghề đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam cũng đang ở thời kỳ dân số vàng với gần 100 triệu người, trong đó gần 60 triệu người tham gia lao động, tạo ra nhu cầu tham gia học nghề, lập nghiệp là rất lớn.

Tuy nhiên, việc học nghề chưa được sự quan tâm của phần lớn cha mẹ và chính học sinh đang đứng trước sự lựa chọn cho tương lai cuộc đời bởi, quan niệm học chữ quan trọng hơn học nghề, "trọng thầy hơn thợ" gây trở ngại lớn trong việc thu hút thí sinh dự thi vào cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo của một số cơ sở giáo dục còn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, chất lượng đào tạo chưa cao.

Thực tế cho thấy, hằng năm, có tới hàng trăm nghìn thí sinh bước vào cánh cổng đại học, nhưng không phải ai cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trong tay, ra trường là xin được việc làm phù hợp với nguyện vọng. Trong khi đó, việc sở hữu một nghề trong tay sẽ bảo đảm hơn, thuận lợi hơn trong công cuộc tìm kiếm việc làm. Do vậy, trong xã hội hiện nay, đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Con đường lập thân, lập nghiệp tốt nhất của mỗi người là chọn cho mình một ngành học, một lĩnh vực, một ngành nghề phù hợp, có thể tự tu thân, lập nghiệp vững vàng.

Ðể giáo dục nghề nghiệp thành công, cần có sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống. Trong đó, người học phải nhận thức, xác định rõ mục tiêu, mục đích lựa chọn vào đời bằng con đường nào? Chủ động lĩnh hội và cập nhật kiến thức. Các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ để người học có nhiều cơ hội học tập, làm việc nâng cao thu nhập... Việc nâng cao chất lượng dạy nghề, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội cũng chính là tạo ra cơ hội để những người học nghề dễ dàng tìm kiếm việc làm, hoặc dễ dàng khởi nghiệp bằng việc thành lập cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp.

Ðể thu hút người học, đáp ứng nhu cầu xã hội, các chuyên gia lao động cho rằng, tự thân các trường đào tạo nghề cần phải đổi mới phương pháp tiếp cận trong giáo dục nghề nghiệp bằng việc tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt. Bên cạnh đó, cần chủ động chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, coi đây là ngôi trường thứ hai để đào tạo kiến thức, kỹ năng thực hành nghề và tiếp nhận lao động sau khi tốt nghiệp ra trường. Ðặc biệt, phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong thời kỳ công nghệ số phát triển nhanh chóng hiện nay.

THANH NGA