Vượt qua khủng hoảng sau đại dịch

Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 2-6, các bộ trưởng Đức nhóm họp thảo luận gói kích thích kinh tế để đẩy nhanh tốc độ phục hồi sau thời gian phong tỏa. Tranh cãi đã xảy ra ngay chính trong liên minh cầm quyền. Liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng A.Méc-ken ủng hộ giảm thuế, trong khi các đối tác trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) ủng hộ phương án chi trả một lần cho các gia đình và hỗ trợ các chính quyền địa phương.

* Thủ tướng Nga M.Mi-su-xtin ngày 2-6 trình Tổng thống V.Pu-tin kế hoạch chi khoảng 72 tỷ USD nhằm khôi phục nền kinh tế quốc gia. Mục tiêu của kế hoạch là đạt tăng trưởng thu nhập thực tế ổn định cho người dân, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5% và bảo đảm tốc độ tăng trưởng GDP ít nhất 2,5%/năm vào cuối năm 2021.

* Chính phủ Ấn Độ quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) 9,33 tỷ USD trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Theo Ủy ban Kinh tế chính phủ Ấn Độ, 200.000 MSMEs gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ khoảng 2,66 tỷ USD dưới dạng nợ thứ cấp. Các doanh nghiệp cũng được bơm thêm hơn sáu tỷ USD.

* Bộ Nông nghiệp Phi-li-pin nỗ lực thuyết phục Ngân hàng Thế giới (WB) cấp khoản tín dụng 200 triệu USD hỗ trợ nước này triển khai chương trình thủy sản và phục hồi ven biển (FishCore), góp phần bảo đảm an ninh lương thực. FishCore được xem là chương trình không thể thiếu đối với các mục tiêu phục hồi kinh tế của Phi-li-pin.

* Ngày 2-6, nhóm các nhà lãnh đạo của nhiều nước, chuyên gia y tế, kinh tế hàng đầu thế giới đã kêu gọi Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) triệu tập Hội nghị cấp cao khẩn cấp để giải quyết những vấn đề xoay quanh đại dịch Covid-19 và đưa ra giải pháp ứng phó có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước. Lời kêu gọi được đề cập trong bức thư có chữ ký của hơn 230 người, trong đó đề cập việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính các nước đang phát triển sẽ cần tới 2.500 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng.