Vượt mốc 29 triệu ca Covid-19, Mỹ triển khai chiến dịch tuyên truyền về vaccine

NDO -

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 8 giờ ngày 26-2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 113.532.033 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.518.292 ca tử vong. Số trường hợp phục hồi là 89.120.651 người, trong khi số người đang phải điều trị là 21.893.090 ca.

Nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Trung tâm giải trí Ritchie Valens tại TP Los Angeles, bang California, Mỹ. (Ảnh: AP)
Nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Trung tâm giải trí Ritchie Valens tại TP Los Angeles, bang California, Mỹ. (Ảnh: AP)

* Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất với hơn 29 triệu ca nhiễm, trong đó có 520.737 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 11.063.038 ca nhiễm và 156.861 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 10.3930.886 ca nhiễm và 251.661 ca tử vong. 

Trong 24 giờ qua, thế giới đã có thêm 443.081 ca mắc mới, trong đó Mỹ là nước ghi nhận số ca mắc nhiều nhất với 76.564 ca, tiếp theo là Brazil với 67.878 ca. Pháp đứng thứ ba khi ghi nhận thêm 25.403 ca lây nhiễm mới và đứng thứ tư là Italy với 19.886 ca.

Liên quan đến vấn đề vaccine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, chính quyền của ông sẽ lên kế hoạch triển khai chiến dịch tuyên truyền cho người dân Mỹ về các loại vaccine ngừa Covid-19 để đề phòng trường hợp nguồn cung có thể vượt quá nhu cầu do tâm lý do dự đối với vaccine trong thời gian tới. Ông Biden nhấn mạnh chính phủ sẽ tập hợp các lãnh đạo của mọi lĩnh vực trong xã hội để tuyên truyền và khuyến khích mọi người dân Mỹ tiêm vaccine.

Tính theo khu vực, châu Âu tiếp tục vượt Bắc Mỹ trở thành khu vực có số ca mắc Covid-19 và tử vong cao nhất thế giới, với 33.719.561 ca mắc và 805.086 ca tử vong. Bắc Mỹ ghi nhận 33.314.068 ca mắc và 751.574 ca tử vong. Châu Á đứng thứ ba với 24.790.412 ca nhiễm và 395.760 ca tử vong. 

* Trước việc số ca mắc mới vẫn tăng cao, ngày 25-2, Pháp và Đức đã nhất trí về quy định người lao động di chuyển qua biên giới giữa hai nước phải có kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2, qua đó vừa tránh việc đóng cửa hoàn toàn biên giới vừa kiểm soát dịch bệnh. 

Tại Berlin, phát biểu trong trong một cuộc đối thoại ngày 25-2 với người làm trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã lên tiếng chỉ trích những người hoài nghi đối với vaccine ngừa Covid-19 và yêu cầu người dân Đức tin tưởng vào các loại vaccine đã được phê duyệt. 

Hãng truyền thông Deutsche Welle dẫn lời Tổng thống Đức rằng, việc miễn cưỡng sử dụng loại vaccine này hay vaccine khác là “một vấn đề khá xa xỉ”, khi so sánh với những người đang chờ tiêm vaccine hoặc những người ở các quốc gia vẫn chưa có triển vọng về điều này. Ông nhấn mạnh, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, các loại vaccine được Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê duyệt đều có hiệu quả và tương thích tốt.   

Tổng thống Steimeier cho rằng, chính việc tiêm chủng sẽ mang lại một bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại virus. Do đó, ông Steinmeier kêu gọi mọi người phải tận dụng ưu đãi tiêm chủng khi đến lượt của mình để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và những người khác. 

Sau khởi đầu chậm chậm chạp, tỷ lệ tiêm chủng ở Đức hiện đang được tăng tốc. Tuy nhiên, vẫn còn sự hoài nghi lớn của người dân, đặc biệt là đối với vaccine của nhà sản xuất AstraZeneca của Anh - Thụy Điển. 

Theo truyền thông Đức, vào ngày 3-3, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang sẽ tiếp tục thảo luận về các biện pháp tiếp theo sau khi lệnh phong tỏa hiện tại sẽ kết thúc vào ngày 14-3. 

* Trong khi đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp châu Âu (EU) trực tuyến, các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh các quy định hạn chế chặt chẽ đối với hoạt động đi lại không cần thiết phải được duy trì trong bối cảnh toàn khối đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 và đối mặt với mối đe dọa từ những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tuyên bố chung của 27 nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên EU được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nêu rõ tình hình dịch tễ tiếp tục nghiêm trọng và các biến thể mới gây ra thêm nhiều thách thức. Vì vậy, các nước phải duy trì các quy định chặt chẽ trong khi đẩy mạnh những nỗ lực nhằm tăng tốc nguồn cung các loại vaccine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, biến thể B117 của virus ở Anh hiện đã có mặt ở tất cả 27 quốc gia thành viên EU, trong khi biến thể Nam Phi được ghi nhận ở 14 quốc gia thành viên và biến thể ở Brazil xuất hiện tại bảy quốc gia. Đây là những biến chủng có khả năng lây nhiễm cao khiến các quan chức y tế cộng đồng lo lắng. 

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 26-2 (giờ Việt Nam):

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 29.051.449 ca mắc, 520.737 ca tử vong
2. Ấn Độ: 11.063.038 ca mắc, 156.861 ca tử vong
3. Brazil: 10.393.886 ca mắc, 251.661 ca tử vong
4. Nga: 4.212.100 ca mắc, 84.876 ca tử vong
5. Anh: 4.154.562 ca mắc, 122.070 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.314.634 ca mắc, 35.518 ca tử vong 
2. Philippines: 568.680 ca mắc, 12.201 ca tử vong
3. Malaysia: 293.698 ca mắc, 1.100 ca tử vong 
4. Myanmar: 141.841 ca mắc, 3.198 ca tử vong  
5. Singapore: 59.900 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 25.764 ca mắc, 83 ca tử vong
7. Việt Nam: 2.421 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 697 ca mắc
9. Brunei: 185 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 45 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 33.719.561 ca mắc, 805.086 ca tử vong  
2. Bắc Mỹ: 33.314.068 ca mắc, 751.574 ca tử vong 
3. Châu Á: 24.790.412 ca mắc, 395.760 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 17.760.008 ca mắc, 461.790 ca tử vong
5. Châu Phi: 3.896.280 ca mắc, 102.980 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 50.983 ca mắc, 1.087 ca tử vong

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba