Ưu tiên của chính phủ mới tại Pháp

Chỉ vài ngày sau khi trình bày các chính sách của chính phủ mới trước Hạ viện, Thủ tướng Pháp G.Ca-xtếch thông báo các cuộc đàm phán với các nghiệp đoàn về kế hoạch cải cách chế độ hưu trí sẽ được hoãn đến năm 2021. Quyết định này được xem là nhằm tập trung thực hiện các chính sách ưu tiên trên “con đường mới” mà Tổng thống Pháp E.Ma-crông theo đuổi trong hai năm cuối nhiệm kỳ.

Thủ tướng Pháp trình bày chính sách của chính phủ mới trước Hạ viện. Ảnh TÂN HOA XÃ
Thủ tướng Pháp trình bày chính sách của chính phủ mới trước Hạ viện. Ảnh TÂN HOA XÃ

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống E.Ma-crông đã thúc đẩy các kế hoạch cải cách như thay đổi các quy định về bảo vệ người lao động, lương hưu... Tuy nhiên, các kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nghiệp đoàn, kéo theo nhiều cuộc đình công. Do tác động của đại dịch Covid-19, quá trình đàm phán giữa Chính phủ Pháp và các nghiệp đoàn về cải cách hưu trí đã bị gián đoạn kể từ tháng 2 vừa qua.

Theo kế hoạch cải cách hưu trí, hệ thống lương hưu hiện hành của Pháp sẽ được thay thế bằng một hệ thống phổ cập mới. Tuổi về hưu là 62 sẽ được giữ nguyên, nhưng sẽ khuyến khích những người muốn làm việc lâu hơn, cho tới năm 64 tuổi. Chính phủ Pháp cho rằng, việc thay đổi cơ chế lương hưu hiện nay bằng kế hoạch cải cách mới sẽ giúp chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách nhiều năm qua. Trong khi đó, các nghiệp đoàn và các phe đối lập lại chỉ trích những cải cách nêu trên. Về phía người lao động, hệ thống hưu trí mới sẽ hủy bỏ các cơ chế lương hưu đặc biệt, bao gồm cơ chế cho phép nghỉ hưu sớm và một số lợi ích khác. Ngoài ra, các nghiệp đoàn đại diện cho người lao động trong các ngành nghề khác nhau ở Pháp cũng không đồng tình với kế hoạch kéo dài tuổi lao động.

Ðầu tháng 7-2020, Tổng thống E.Ma-crông đã bổ nhiệm ông G.Ca-xtếch làm thủ tướng và đứng ra thành lập chính phủ mới với nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế đất nước sau khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Sau khi cải tổ bộ máy nội các, Thủ tướng G.Ca-xtếch đã trình bày trước Hạ viện Pháp các chính sách của chính phủ mới. Ðáng chú ý là khoản ngân sách 100 tỷ ơ-rô nhằm phục hồi kinh tế, trong đó, 40 tỷ ơ-rô dành cho việc tái thiết công nghiệp; 20 tỷ ơ-rô nhằm hỗ trợ thị trường việc làm; 20 tỷ ơ-rô nhằm cải tạo cơ sở hạ tầng, giao thông… Khoản tiền còn lại nhằm giúp đỡ những người gặp khó khăn, trong đó bao gồm 6 tỷ ơ-rô cho hệ thống y tế. Về cải cách hưu trí, ông G.Ca-xtếch cũng khẳng định tiếp tục thực hiện kế hoạch mà Tổng thống E.Ma-crông theo đuổi; cho rằng, cần chấm dứt các chế độ hưu trí đặc biệt trong dài hạn. Theo ông G.Ca-xtếch, cải cách hưu trí là "cần thiết", song các nội dung cụ thể sẽ đạt được thông qua đàm phán.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp đầu tiên với đại diện các nghiệp đoàn kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng G.Ca-xtếch cho biết, ưu tiên hiện nay của Chính phủ Pháp là chống dịch Covid-19 và tạo việc làm, phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, ông G.Ca-xtếch cũng khẳng định lại: Sẽ cải cách hưu trí, trong đó có đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu thêm hai năm lên 64 tuổi.

Trong bối cảnh Pháp vừa vượt qua giai đoạn cam go nhất của cuộc khủng hoảng do Covid-19, thách thức đặt ra với chính phủ mới thời gian tới là rất lớn. Ðó là vừa phải bảo đảm việc làm cho người lao động, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, ổn định xã hội.