THẾ GIỚI NGÀY QUA

Trung Quốc: Gia tăng căng thẳng với Mỹ

Theo tin nước ngoài và TTXVN, ngày 1-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu bốn hãng truyền thông Mỹ đang hiện diện tại Trung Quốc, gồm AP, UPI, CBS và NPR, nộp báo cáo về tình hình nhân sự và hoạt động tài chính tại Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, đây là động thái đáp trả việc Mỹ gây sức ép với các tổ chức truyền thông Trung Quốc tại Mỹ. Trong một diễn biến liên quan, ngày 30-6, Ủy ban Truyền thông Liên bang của Mỹ cấm các công ty Mỹ sử dụng ngân sách chính phủ để mua thiết bị của hai tập đoàn viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc.

Bra-xin: Bộ trưởng Giáo dục từ chức

Trước sức ép dư luận liên quan cáo buộc gian dối bằng cấp, Bộ trưởng Giáo dục Bra-xin C.Đê-cô-tê-li đã đệ đơn từ chức, chỉ năm ngày sau khi được bổ nhiệm vào cương vị này. Trước đó, ông Đê-cô-tê-li cho biết, có bằng Tiến sĩ tại Đại học Rosario (Ác-hen-ti-na) và Đại học Wuppertal (Đức). Tuy nhiên, ban lãnh đạo hai trường vừa nêu bác bỏ thông tin này. Ông Đê-cô-tê-li còn bị buộc tội đạo văn một số bài báo trong thời gian học tại Bra-xin. Bra-xin đã có tới ba bộ trưởng giáo dục chỉ trong 18 tháng qua. 

Nga: bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp

Theo TASS và TTXVN, ngày 1-7, cử tri Nga đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp. Các điểm bỏ phiếu ở tất cả các vùng trên toàn quốc mở cửa từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối (giờ địa phương). Công dân Nga tại nước ngoài cũng đến các điểm bỏ phiếu ở các cơ quan ngoại giao Nga để thực hiện quyền công dân. Ngày 1-7 là thời điểm chính thức tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp trên toàn nước Nga, song thực tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sự kiện chính trị này được tổ chức trong vòng một tuần, bắt đầu từ ngày 25-6. Trong sáu ngày trước ngày bỏ phiếu chính thức, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 55,22%.

Việc kiểm phiếu được thực hiện sau 8 giờ tối (giờ địa phương) ngày 1-7. Nếu hơn một nửa số cử tri đồng ý với các đề xuất sửa đổi, việc sửa đổi Hiến pháp sẽ có hiệu lực vào ngày chính thức công bố kết quả trưng cầu ý dân.

EU: Cấm Hãng hàng không quốc gia Pa-ki-xtan bay tới châu Âu

Cơ quan an toàn hàng không Liên hiệp châu Âu (EASA) ngày 30-6 thông báo, Hãng hàng không quốc gia Pa-ki-xtan (PIA) không được phép bay đến châu Âu trong ít nhất sáu tháng, sau khi xảy ra vụ phát hiện nhiều phi công Pa-ki-xtan gian lận trong các kỳ thi sát hạch lái máy bay. Trong một tuyên bố, EASA bày tỏ lo ngại về tính hợp lệ của các giấy chứng nhận phi công Pa-ki-xtan. Cùng ngày, người phát ngôn của PIA nhấn mạnh, vụ bê bối liên quan các phi công Pa-ki-xtan nêu trên làm tổn hại nghiêm trọng tới PIA.