Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria: Thế giới kêu gọi kiềm chế

NDO -

NDĐT - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 9-10 thông báo chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các tay súng người Kurd ở miền Bắc Syria đã bắt đầu. Chiến dịch này của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Liên Hợp quốc (LHQ) chuẩn bị họp khẩn về tình hình Syria trong ngày hôm nay.

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria: Thế giới kêu gọi kiềm chế

Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, ông Erdogan viết: “Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh Quân đội Quốc gia Syria (SNA gồm các nhóm nổi dậy được Ankara ủng hộ) đã bắt đầu Chiến dịch Hòa bình Mùa Xuân ở miền Bắc Syria”.

Chiến dịch trên được thực hiện bất chấp nhiều ý kiến cảnh báo sự can thiệp quân sự của Ankara vào lãnh thổ Syria sẽ dẫn đến những rủi ro khó lường, mà trước hết cuộc chiến chống khủng bố sẽ bị suy yếu, các lực lượng khủng bố cực đoan có cơ hội tập hợp lực lượng và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng có thể hồi sinh.

Hãng thông tấn Anadolu đưa tin, các máy bay phản lực Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hủy các mục tiêu của YPG / PKK (Đảng Công nhân người Kurd) sâu 30 km ở phía đông sông Euphrates ở miền bắc Syria như một phần của chiến dịch.

Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA đưa tin, it nhất tám thường dân đã thiệt mạng và 20 người khác bị thương hôm 9-10 do pháo kích Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Hasakah phía đông bắc Syria.

Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Đại sứ Nam Phi Jerry Matthews Matjila đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ "bảo vệ dân thường" và "kiềm chế tối đa" trong các chiến dịch quân sự tại Syria.

Phát biểu sau khi Thổ Nhĩ Kỳ khởi động Chiến dịch Hòa bình Mùa Xuân nhằm vào các tay súng người Kurd ở Đông Bắc Syria cùng ngày, Đại sứ Matjila bày tỏ hy vọng HĐBA có thể sớm nhóm họp về tình hình này, song nhấn mạnh quyết định tùy thuộc vào các nước soạn thảo nghị quyết về Syria. Bỉ, Đức và Kuwait là các thành viên HĐBA được chỉ định theo dõi tình hình nhân đạo tại Syria, vì vậy các nước này sẽ có quyền triệu tập một cuộc họp của hội đồng.

Giới chức ngoại giao cho hay Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ họp khẩn vào ngày 10-10, để thảo luận về cuộc tấn công tại miền Bắc Syria. Cuộc họp kín này, dự kiến diễn ra vào cuối buổi sáng 10-10, theo đề nghị của các nước châu Âu gồm Bỉ, Pháp, Đức và Anh.

Liên quan đến tình hình Syria, tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cùng ngày cho hay hàng nghìn dân thường đã tháo chạy để tránh đợt oanh kích của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới miền Bắc Syria. SOHR nêu rõ: "Hàng nghìn người đã bỏ chạy khỏi vùng Ras al-Ain... và vùng nông thôn Tal Abyad (để tới những khu vực chưa bị máy bay của Ankara tấn công)"

Cùng ngày, Bộ trưởng Pháp về các vấn đề châu Âu Amelie de Montchalin cho biết Pháp, Anh và Đức đã kêu gọi HĐBA nhóm họp để thảo luận về chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại quốc hội, bà Montchalin cho biết ba nước cũng đã ra tuyên bố chung "kịch liệt lên án" hành động quân sự trên.

Trong phản ứng của mình, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của Mỹ Lindsay Graham cho biết ông có kế hoạch trình một gói trừng phạt "nặng" nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ vì chiến dịch quân sự tại Đông Bắc Syria. Trả lời phỏng vấn đài Axios, thượng nghị sĩ Graham chỉ trích quyết định của Tổng thống Donald Trump rút quân khỏi khu vực này, đồng thời bày tỏ lo ngại về số phận của người Kurd tại đây. Ông cũng dự đoán rằng Thượng viện có thể sắp xếp các cuộc bỏ phiếu trừng phạt nhằm bác bỏ mọi ý định phủ quyết mà Tổng thống Trump có thể sẽ đưa ra. Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã yêu cầu Ankara ngừng ngay chiến dịch này, đồng thời cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ không chi trả cho bất kỳ "vùng an toàn" nào mà Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có ý định thành lập.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu (EP), ông Juncker nêu rõ: "Tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các tác nhân khác hành động một cách kiềm chế và ngừng ngay các chiến dịch hiện nay". Trong khi thừa nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ có những lo ngại an ninh ở khu vực biên giới với Syria, ông Juncker cho biết: "nếu Thổ Nhĩ Kỳ định tham gia vào việc tạo ra một cái gọi là vùng an toàn, đừng hy vọng EU sẽ chi trả gì cho kế hoạch đó".

EU hiện đang dành cho Thổ Nhĩ Kỳ 6 tỷ euro để giúp nước này giải quyết vấn đề gần 4 triệu người tị nạn Syria trong lãnh thổ của mình, để đổi lại việc ngăn chặn người di cư sang châu Âu. Nhưng Ankara đang muốn thêm tiền tài trợ trong bối cảnh lo ngại hàng nghìn người Syria có thể sẽ sớm vượt biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhận định về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 9-10 nhấn mạnh điều quan trọng là "không nên gây bất ổn khu vực thêm nữa".

Phát biểu với báo giới tại Rome (Italy), ông Stoltenberg nói rằngThổ Nhĩ Kỳ "có những lo ngại an ninh chính đáng" và đã thông báo với NATO về kế hoạch tấn công trước đó cùng ngày. Theo TTK NATO, Ankara đã nói rằng chiến dịch quân sự của họ "sẽ chỉ ở mức hạn chế và cân đối". Ông cũng nhấn mạnh: "Điều quan trọng là tránh các hành động có thể làm gia tăng bất ổn, leo thang căng thẳng và gây thêm những tổn thương với người dân trong khu vực".

Hãng thông tấn RIA của Nga ngày 9-10 cho hay Nga sẽ không can dự vào mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria sau khi Ankara thông báo khởi động chiến dịch tấn công người Kurd ở Đông Bắc Syria cùng ngày.

RIA dẫn lời nghị sĩ Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga Dzhabarov nhận định chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị coi là vi phạm chủ quyền của Syria.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi Ankara nên tránh bất kỳ bước đi nào tại Syria có thể hủy hoại tiến trình hòa bình. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lo ngại rằng giao tranh ở khu vực miền Bắc Syria sẽ gây ra thêm một cuộc khủng hoảng nhân đạo, trước hết ảnh hưởng trực tiếp tới dân thường.