Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng “con bài di cư”

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ mở cửa cho người di cư vào châu Âu, nếu nước này không nhận được hỗ trợ phù hợp để thực hiện kế hoạch thiết lập “vùng an toàn” tại miền bắc Xy-ri. Động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ bị chỉ trích rằng, An-ca-ra đang sử dụng “con bài di cư” phục vụ mục đích chính trị, trong bối cảnh châu Âu quá mệt mỏi với cuộc khủng hoảng người di cư.

Người di cư tới bờ biển Hy Lạp sau hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh The National
Người di cư tới bờ biển Hy Lạp sau hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh The National

Theo thỏa thuận ký năm 2016 với Liên hiệp châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận trở lại những người di cư và tị nạn không có giấy tờ và đổi lại, EU sẽ hỗ trợ tài chính cho An-ca-ra nhằm phục vụ việc tái định cư cho người tị nạn, chủ yếu đến từ nước láng giềng Xy-ri. Thỏa thuận này đã giúp dòng người di cư đến Hy Lạp giảm mạnh, khi Thổ Nhĩ Kỳ được coi là bức tường thành ngăn người di cư đổ vào châu Âu. Tuy nhiên, hiện nay, Hy Lạp đang phải đối mặt sự trở lại của dòng người di cư, khiến các khu trại tạm trú dành cho người di cư vốn quá đông đúc tại nước này bị quá tải, buộc chính quyền A-ten phải triển khai các biện pháp mạnh, như siết chặt biên giới và trục xuất nhiều người hơn. Theo thống kê của Liên hợp quốc, từ đầu năm đến nay, có hơn 78 nghìn người tị nạn và di cư đến châu Âu, một nửa trong số đó là tới Hy Lạp. Khoảng 40% trong số này là các gia đình tới từ Áp-ga-ni-xtan và khoảng 20% là người Xy-ri.

Trước thực trạng nêu trên, Cao ủy châu Âu phụ trách vấn đề di cư Ð.Áp-ra-mô-pu-lốt tuyên bố cần chấm dứt ngay tình trạng dòng người di cư bất hợp pháp từ Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu. Thủ tướng Hy Lạp K.Mít-xô-ta-kít cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu để đạt mục đích riêng, đồng thời tuyên bố An-ca-ra có đủ khả năng và cần phải kiểm soát dòng người di cư đến châu Âu. Nhà lãnh đạo Hy Lạp cũng nhận định, phần lớn người di cư đều vì mục đích kinh tế, chứ không phải vì tị nạn, đồng thời tái khẳng định kế hoạch trục xuất 10 nghìn người bị từ chối tị nạn vào cuối năm nay. Theo kế hoạch này, A-ten mong muốn từ nay đến cuối năm 2020 có thể đưa 10 nghìn người di cư trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Con số này tăng cao hơn so mức 1.805 người được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ trong bốn năm rưỡi qua. Theo Thủ tướng Hy Lạp, châu Âu tiếp tục là "nam châm" hút người di cư từ châu Phi và Trung Ðông. Ủy ban châu Âu thừa nhận, dòng người di cư trái phép vào Hy Lạp đã tạo gánh nặng đối với nước này và đặt ra những tình huống khó có thể ứng phó kịp thời.

Trong khi đó, thống kê cho thấy, khoảng 3,6 triệu người di cư Xy-ri đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ X.Xôi-lu kêu gọi EU chia sẻ gánh nặng người tị nạn trong bối cảnh An-ca-ra lo ngại dòng người di cư mới từ tỉnh Ít-líp, tây bắc Xy-ri, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp tục đổ sang quốc gia được coi là địa điểm trung chuyển vào châu Âu này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan gần đây tuyên bố, An-ca-ra sẽ cho phép hàng triệu người tị nạn tới châu Âu nếu khối này chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tiến công lực lượng người Cuốc ở Xy-ri.

Động thái từ phía Thổ Nhĩ Kỳ khiến Hy Lạp lo ngại về làn sóng di cư ồ ạt đổ vào các đảo của nước này. Hy Lạp kêu gọi NATO tăng số tàu tuần tra hải quân ở biển Ê-giê, đồng thời nhấn mạnh A-ten muốn nhiệm vụ nêu trên sẽ được mở rộng sang khu vực phía nam biển Ê-giê để nước này có thể bao quát toàn bộ phạm vi biên giới trên biển của mình.