Thế giới vượt mốc 115 triệu ca mắc, Brazil ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục

NDO -

Theo thống kê của Worldometers, tính đến 8 giờ ngày 3-3 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 115.280.250 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.559.193 ca tử vong và 91.091.630 người đã bình phục. Theo Bộ Y tế Brazil, ngày 2-3 đánh dấu ngày nước này báo cáo nhiều ca tử vong do Covid-19 nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Cô giáo phát gel khử khuẩn cho học sinh trong ngày đầu các em quay lại trường học sau thời gian trường học đóng cửa do Covid-19. Ảnh chụp tại thủ đô Bogota, Colombia, ngày 15-12. (Ảnh: AP)
Cô giáo phát gel khử khuẩn cho học sinh trong ngày đầu các em quay lại trường học sau thời gian trường học đóng cửa do Covid-19. Ảnh chụp tại thủ đô Bogota, Colombia, ngày 15-12. (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2-3 cho biết, nước này kỳ vọng sẽ có đủ vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho tất cả người trưởng thành vào cuối tháng 5 tới, sớm hơn hai tháng so với dự kiến. Chính quyền của ông Biden cũng thông báo, hãng dược phẩm Merck sẽ giúp sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Johnson & Johnson vừa được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Ông Biden cho rằng, sự hợp tác giữa hai hãng dược phẩm này là “bước tiến lớn” hướng tới mở rộng cơ hội đưa vaccine đến với mọi người dân Mỹ.

Với nguồn cung được tăng cường, Tổng thống Biden tuyên bố, ông sẽ sử dụng quyền hạn của chính quyền liên bang để chỉ đạo tất cả các bang ưu tiên tiêm chủng cho giáo viên. Theo Tổng thống Mỹ, chính quyền liêng bang sẽ cung cấp vaccine trực tiếp thông qua chương trình dược phẩm của mình. 

Brazil, quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 đứng thứ hai trên thế giới, vừa ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Brazil, số ca tử vong trong ngày 2-3 là 1.641. Trước đó, vào cuối tháng 7-2020, nước này từng báo cáo 1.595 ca tử vong/ngày. Brazil ghi nhận kỷ lục mới trong thời điểm nước này đang đối mặt với đợt bùng phát số ca mắc mới và hệ thống bệnh viện đang căng sức hoạt động. 

Tại châu Âu, Đức có kế hoạch gia hạn lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm kiềm chế dịch bệnh Covid-19 đến ngày 28-3 tới, nhưng nới lỏng một số biện pháp hạn chế từ tuần sau. Dự kiến, Thủ tướng Angela Merkel và lãnh đạo các bang sẽ thảo luận về vấn đề này vào ngày 4-3 trong bối cảnh số ca bệnh tại Đức tăng lên hơn 2,4 triệu ca. 

Tại Pháp, người phát ngôn chính phủ Gabriel Attal ngày 2-3 cho biết, chính phủ nước này cũng vẫn đang cân nhắc các biện pháp phòng dịch mới, trong đó có khả năng áp đặt một lệnh phong tỏa toàn quốc mới và lệnh phong tỏa khu vực vào cuối tuần. 

Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà hàng và trường học đã được mở cửa trở lại vào ngày 2-3 sau khi chính phủ công bố các bước nhằm nới lỏng những hạn chế dù số ca bệnh vẫn tăng cao hơn, làm tăng quan ngại cho giới chức y tế. 

Tại châu Á, Chính phủ Indonesia ngày 2-3 đã siết chặt giám sát nhập cảnh đối với các du khách quốc tế sau khi phát hiện hai trường hợp đầu tiên nhiễm B117, biến thể của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh. 

Ông Wiku Adisasmito, điều phối viên Nhóm chuyên gia và là người phát ngôn của Chính phủ Indonesia về dịch Covid-19 cho biết, nhân viên tại các địa điểm nhập cảnh cùng thành viên các cơ quan liên quan và Lực lượng đặc trách chống Covid-19 sẽ tiến hành giám sát hiện trường.

Trong chương trình trực tuyến của Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia (BNPB), ông Wiku cho biết, công tác giám sát đang được siết chặt, tập trung tại nhiều cửa khẩu dành cho khách quốc tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể virus mới.

Trước đó cùng ngày, Thứ trưởng Y tế Dante Saksono Harbuwono cho biết đã nhận được thông tin về việc phát hiện hai ca đầu tiên nhiễm biến thể virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh vào tối 1-3. Trước phát hiện này, ông Dante đã kêu gọi chính phủ và toàn xã hội cùng hợp tác để đối phó với đại dịch Covid-19 do biến thể B117 được cho là có nguy cơ lây lan nhanh hơn và gây tử vong cao hơn. Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Bambang Brodjonegoro cho rằng, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm trầm trọng thêm đại dịch Covid-19 tại Indonesia và khiến các bệnh viện thêm quá tải.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 3-3 (giờ Việt Nam):

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 29.370.652 ca mắc, 529.209 ca tử vong
2. Ấn Độ: 11.139.323 ca mắc, 157.385 ca tử vong
3. Brazil: 10.647.845 ca mắc, 257.562 ca tử vong
4. Nga: 4.268.215 ca mắc, 86.896 ca tử vong
5. Anh: 4.188.400 ca mắc, 123.296 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.347.026 ca mắc, 36.518 ca tử vong 
2. Philippines: 580.442 ca mắc, 12.369 ca tử vong
3. Malaysia: 304.135 ca mắc, 1.141 ca tử vong 
4. Myanmar: 141.965 ca mắc, 3.199 ca tử vong  
5. Singapore: 59.956 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 26.073 ca mắc, 84 ca tử vong
7. Việt Nam: 2.475 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 844 ca mắc
9. Brunei: 187 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 45 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 34.316.143 ca mắc, 819.491 ca tử vong  
2. Bắc Mỹ: 33.696.362 ca mắc, 763.938 ca tử vong 
3. Châu Á: 25.150.613 ca mắc, 399.853 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 18.122.555 ca mắc, 470.249 ca tử vong
5. Châu Phi: 3.942.541 ca mắc, 104.556 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 51.315 ca mắc, 1.091 ca tử vong

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan