Thế giới vượt 34 triệu ca mắc Covid-19

NDO -

Theo thống kê của Worldomters đến 7 giờ sáng, ngày 1-10 (giờ Việt Nam), số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã vượt 34 triệu ca, lên tới 34.141.695 ca mắc và 1.018.076 ca tử vong. Trong đó, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới.

 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện tại Toronto, Canada, ngày 17-9-2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện tại Toronto, Canada, ngày 17-9-2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cụ thể, trong một ngày qua, thế giới ghi nhận thêm 307.570 ca mắc và 6.067 ca tử vong do Covid-19. Trong đó, Ấn Độ ghi nhận thêm 86.748 ca mắc và 1.179 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 6.310.267 ca mắc và 98.708 ca tử vong.

Theo sau về số ca mắc mới là Mỹ, với thêm 39.258 ca mắc và 903 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 7.445.611 ca mắc và 211.688 ca tử vong.

Brazil ghi nhận thêm 33.269 ca mắc và 952 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 4.813.586 ca mắc và 143.962 ca tử vong.

Cũng theo số liệu thống kê của Worldometers, tính đến 7 giờ sáng 1-10 (giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 25.402.623 bệnh nhân Covid-19 bình phục; 7.720.996 ca bệnh đang điều trị trong đó có 66.040 ca trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch.

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Châu Âu lại đối mặt với đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên. Trong khi khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latinh vẫn là vùng dịch nghiêm trọng nhất.

Tại khu vực châu Mỹ, tới nay Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới. Trong đó, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với Covid-19 tại New York lần đầu tiên hơn ở mức hơn 3% trong nhiều tháng qua, buộc nhà chức trách phải siết chặt các hạn chế.

Gần bảy tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khu vực Mỹ Latinh đang là nơi bị tác động và khó kiểm soát nhất dịch bệnh, khi chiếm tới 33,8% số ca tử vong và 27% số ca mắc trên toàn cầu. Đây là kết luận được đưa ra trong cuộc họp lần thứ 58 của Hội đồng quản trị Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) – nhánh châu lục của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó tổng kết Mỹ Latinh đã ghi nhận hơn 338.000 ca tử vong và 9,2 triệu ca mắc Covid-19.

PAHO cảnh báo trong số 10 quốc gia có số ca lây nhiễm cao nhất thế giới, đã có năm nước Mỹ Latinh, gồm Brazil đứng thứ ba (hơn 4,8 triệu ca), Colombia thứ năm (gần 830 nghìn ca), Peru thứ sáu (hơn 811 nghìn ca), Argentina thứ tám (hơn 751 nghìn ca) và Mexico thứ chín (hơn 738 nghìn ca); còn trong năm quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới, khu vực này cũng đóng góp hai “đại diện” là Brazil thứ hai (gần 144 nghìn) và Mexico thứ tư (hơn 77 nghìn).

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, Canada cam kết tăng 400 triệu CAD (299 triệu USD) cho hoạt động viện trợ phát triển và nhân đạo để ứng phó đại dịch.

Thủ tướng Trudeau khẳng định, Canada sẽ tăng cường đầu tư trong những năm tới và ông sẽ tiếp tục vận động giảm nợ cho những nước đang phát triển phải đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn do đại dịch.

Tại châu Á, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) ngày 30-9 đã tiến hành đợt xét nghiệm huyết thanh lần thứ hai trên phạm vi toàn quốc trong khoảng thời gian từ ngày 17-8 đến ngày 22-9 đối với 29.082 người từ 10 tuổi trở lên.

Kết quả cho thấy, khoảng 6,6% số người được khảo sát, tương đương tỷ lệ 1/15 người tại Ấn Độ (quốc gia có hơn một tỷ dân) đã bị mắc Covid-19. Đối với những người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ này còn cao hơn ở mức 7,1%.

Về việc phân phối vắc-xin, ngày 30-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết, nước này sẽ chia sẻ vắc-xin phòng ngừa bệnh Covid-19 với thế giới như một loại hàng hóa chung trên toàn cầu với giá công bằng và hợp lý. Ông cũng cho biết, ưu tiên sẽ được dành cho các nước đang phát triển trong việc phân phối vắc-xin thông qua nhiều cách thức khác nhau, trong đó có hình thức viện trợ miễn phí.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 30-9 cảnh báo, lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch Covid-19 có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí là một năm. Trong một ngày qua, Israel ghi nhận thêm tới 8.568 ca mắc và 41 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 245.494 ca mắc và 1.569 ca tử vong do Covid-19.

Tại khu vực châu Âu, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Anh, Ukraine tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 ở mức cao trong một ngày qua. Trong đó, đáng chú ý, Pháp ghi nhận thêm 12.845 ca mắc và 63 ca tử vong; Tây Ban Nha ghi nhận thêm 11.016 ca mắc và 177 ca tử vong; Anh ghi nhận thêm 7.108 ca mắc và 71 ca tử vong.

Chính phủ một số nước, bao gồm: Romania, Phần Lan, CH Séc,… đã tăng cường biện pháp giãn cách nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 30-9 đã cam kết sẽ hỗ trợ 100 triệu USD cho các quốc gia đang phát triển nhằm giúp những nước này tiếp cận với vắc-xin phòng ngừa bệnh Covid-19.

Ngày 30-9, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cảnh báo rằng nước này có thể áp đặt thêm các biện pháp để kiềm chế đại dịch Covid-19 lây lan nếu tình hình tiếp tục xấu đi tại Anh.

Tại khu vực Đông Nam Á, trong 24 giờ qua có bốn quốc gia ghi nhận các ca tử vong do Covid-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Philippines vẫn dẫn đầu các nước trong khu vực về tổng số ca mắc bệnh, song số ca tử vong tiếp tục xu thế giảm trong những ngày gần đây.

Indonesia là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới và số ca tử vong mới trong một ngày qua cao nhất khu vực. Indonesia cũng dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác.

Myanmar tiếp tục ghi nhận gia tăng số ca mắc và tử vong mới. Trong một ngày qua nước này ghi nhận thêm 948 ca mắc và 26 ca tử vong do Covid-19.

Trong khi đó, Việt Nam, Brunei, Campuchia, Timor-Leste và Lào là những nước trong khu vực không có thêm ca mắc Covid-19 nào trong ngày 30-9.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 30-9 kêu gọi các nước đóng góp ngay 15 tỷ USD cho quỹ chung toàn cầu nhằm bảo đảm việc mua sắm và phân phối vắc-xin ngừa Covid-19.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Tổng thư ký Guterres cho rằng, những khoản cam kết này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm mua sắm, sản xuất và dự trữ vắc-xin, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và giúp các nước tối ưu hóa được lợi ích của vắc-xin khi những sản phẩm này được đưa ra thị trường.

Dưới đây là thống kê cụ thể về số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại một số khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo Worldometers, tính đến 7 giờ, sáng 1-10 (giờ Việt Nam).

Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

  1. Mỹ: 7.445.611 ca mắc, 211.688 ca tử vong
  2. Ấn Độ: 6.310.267 ca mắc, 98.708 ca tử vong
  3. Brazil: 4.813.586 ca mắc, 143.962 ca tử vong
  4. Nga: 1.176.286 ca mắc, 20.722 ca tử vong
  5. Colombia: 829.679 ca mắc, 25.998 ca tử vong
  6. Peru: 811.768 ca mắc, 32.396 ca tử vong
  7. Tây Ban Nha: 769.188 ca mắc, 31.719 ca tử vong
  8. Argentina: 751.001 ca mắc, 16.937 ca tử vong
  9. Mexico: 738.163 ca mắc, 77.163 ca tử vong
  10. Nam Phi: 674.339 ca mắc, 16.734 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia Đông Nam Á:

  1. Philippines: 311.694 ca mắc, 5.504 ca tử vong
  2. Indonesia: 287.008 ca mắc, 10.740 ca tử vong
  3. Singapore: 57.765 ca mắc, 27 ca tử vong
  4. Myanmar: 13.373 ca mắc, 310 ca tử vong
  5. Malaysia: 11.224 ca mắc, 136 ca tử vong
  6. Thái Lan: 3.564 ca mắc, 59 ca tử vong
  7. Việt Nam: 1.094 ca mắc, 35 ca tử vong
  8. Campuchia: 277 ca mắc
  9. Brunei: 146 ca mắc, 03 ca tử vong
  10. Timor-Leste: 28 ca mắc
  11. Lào: 23 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:

  1. Châu Á: 10.632.161 ca mắc, 194.761 ca tử vong
  2. Bắc Mỹ: 8.890.800 ca mắc, 310.912 tử vong
  3. Nam Mỹ: 8.074.962 ca mắc, 253.080 ca tử vong
  4. Châu Âu: 5.022.106 ca mắc, 222.459 ca tử vong
  5. Châu Phi: 1.489.710 ca mắc, 35.922 ca tử vong
  6. Châu Đại Dương: 31.235 ca mắc, 927 ca tử vong

B.M

(Theo Worldometers, TTXVN, Reuters)