Thành tựu công nghiệp Trung Quốc 70 năm qua

Theo Báo cáo về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nhân kỷ niệm 70 năm thành lập nước CHND Trung Hoa, do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố, qua 70 năm, Trung Quốc đã phát triển từ một nước nông nghiệp nghèo và lạc hậu thành nước công nghiệp chế tạo lớn nhất thế giới.

Sau 70 năm kể từ khi thành lập Trung Quốc mới, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp tăng từ 12 tỷ nhân dân tệ (NDT) năm 1952 lên 30,5 nghìn tỷ NDT năm 2018, tăng 970,6 lần (tính theo mức giá không đổi), tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 11%. Khi Trung Quốc mới thành lập, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã rất coi trọng việc xây dựng công nghiệp. Kể từ khi bắt đầu “Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”, các nguồn lực hạn chế đã được đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tạo nền tảng ban đầu cho sự phát triển công nghiệp sau này. Hiện tại, Trung Quốc có 41 loại hình công nghiệp lớn, 207 loại hình công nghiệp bậc trung và 666 loại hình công nghiệp nhỏ.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá trị gia tăng của ngành chế tạo Trung Quốc vượt Mỹ lần đầu vào năm 2010, trở thành quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới và liên tục đứng đầu thế giới kể từ đó. Năm 2017, giá trị gia tăng của ngành chế tạo Trung Quốc chiếm 27% tỷ trọng thế giới và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp toàn cầu.

Khi mới thành lập, Trung Quốc chỉ có thể sản xuất một vài mặt hàng tiêu dùng như sợi bông, vải, diêm, xà-phòng và bột mì. Tuy nhiên, hiện nay, sản lượng của các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới; ngành nguyên liệu năng lượng thô như than thô, gang thép, vật liệu xây dựng và hóa chất đã hình thành năng lực sản xuất lớn. Theo Liên đoàn Công nghiệp nhẹ Trung Quốc, sản lượng của hơn 100 sản phẩm công nghiệp nhẹ như đồng hồ, xe đạp, máy may, bia, đồ nội thất… đứng vị trí số 1 thế giới.

Các sản phẩm thiết bị công nghệ cao có bước khởi đầu muộn song đang phát triển nhanh chóng. Năm 2018, sản lượng điện thoại di động, máy tính và ti-vi của Trung Quốc lần lượt đạt 1,8 tỷ, 310 triệu và 190 triệu chiếc, chiếm từ 70% đến 90% sản lượng toàn cầu; sản lượng ô-tô là 27,8 triệu chiếc.

Đến những năm 1990, kết cấu công nghiệp của Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp truyền thống như gang thép, vật liệu xây dựng, sản phẩm nông nghiệp và dệt may. Bước vào thế kỷ 21, nhất là từ sau Đại hội Đảng lần thứ 18 (năm 2012), Trung Quốc phát triển mạnh mẽ các ngành công nghệ cao và sản xuất tiên tiến, tích cực thúc đẩy các ngành công nghiệp mới mang tính chiến lược, không ngừng nâng cao kinh tế công nghiệp. Các thiết bị thông tin di động, nhận dạng giọng nói, lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba Hualong 1… được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới. Chế tạo vi mạch, máy bay chở khách cỡ lớn C919, máy công cụ CNC cao cấp và thiết bị đóng tàu quy mô lớn cũng đã bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới.

Năm 2017, số bằng sáng chế phát minh trong các ngành công nghiệp của Trung Quốc đạt 934 nghìn bằng, tăng 29,8 lần so năm 2004. Theo Tổ chức Quyền sở hữu trí tuệ thế giới, Trung Quốc là nước xin cấp bằng sáng chế quốc tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2017.

Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh vừa được khánh thành ngay trước thềm lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc là công trình biểu tượng cho thành tựu công nghiệp xây dựng và hàng không Trung Quốc là sân bay có diện tích lớn nhất thế giới; cảng hàng không có kiến trúc thép đúc không mối hàn lớn nhất thế giới. Dự kiến công suất chuyên chở của sân bay Đại Hưng đến năm 2025 đạt 72 triệu lượt hành khách; đến năm 2040 đạt 100 triệu lượt hành khách, trở thành sân bay lớn nhất thế giới về công suất chuyên chở hành khách.

Nỗ lực của Trung Quốc từ đầu thế kỷ 21 trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng “xanh hơn” đạt những kết quả bước đầu ấn tượng. Dữ liệu từ vệ tinh của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy, Trung Quốc đóng góp 25% tăng trưởng diện tích cây xanh toàn cầu kể từ đầu thế kỷ này. Tổ chức giám sát chất lượng không khí quốc tế AirVisual cho biết, nồng độ PM2.5 (hạt bụi mịn gây ô nhiễm không khí và nguy hại sức khỏe con người) trong không khí ở Bắc Kinh trong tám tháng đầu năm nay giảm 20% so cùng kỳ năm ngoái và chưa bằng một nửa so cùng kỳ cách đây 10 năm.

TÔ MINH và HỮU HƯNG

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc