Thái Lan vào danh sách các nước có thu nhập tăng cao

NDO -

NDĐT - Thái Lan được bình chọn là một trong năm nền kinh tế hàng đầu thế giới ghi nhận mức tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động. Còn Việt Nam xếp thứ hai.

Việt Nam và Thái Lan nằm trong nhóm năm nước tăng lương cao nhất thế giới. (Ảnh: Bangkok Post)
Việt Nam và Thái Lan nằm trong nhóm năm nước tăng lương cao nhất thế giới. (Ảnh: Bangkok Post)

Theo kết quả khảo sát của hãng tư vấn độc lập Quản lý thu nhập người nước ngoài (ECA), người lao động ở Thái Lan sẽ hưởng mức lương tăng 4,1% vào năm 2020, so với mức tăng 3,9% trong năm nay. Với tốc độ tăng thu nhập như vậy, người lao động ở Thái Lan được xếp thứ năm trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có tốc độ tăng thu nhập cao nhất thế giới.

Trong khi đó, Ấn Độ vẫn đứng đầu châu Á với mức tăng lương trung bình 5,4%, trong khi Việt Nam dẫn đầu Đông - Nam Á về tăng trưởng tiền lương với mức tăng 5,1% dự kiến vào năm 2020. Singapore đạt mức 3% trong năm 2020, giảm so với 3,3% của năm nay, song vẫn cao hơn mức trung bình ở châu Á - Thái Bình Dương và hơn gấp hai lần mức tăng của Hồng Công (Trung Quốc) là 1,4%.

Mức tăng lương trung bình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là vào khoảng 3,2%, cao hơn nhiều so với 1,4% toàn cầu và 1,1% của châu Âu. Trong đó, Việt Nam đứng thứ hai sau Ấn Độ và xếp trên Indonesia, Cam-pu-chia, Thái Lan.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của ECA, ông Lee Quane cho rằng, người lao động ở Việt Nam và Thái Lan sẽ được hưởng mức tăng lương hơn đánh giá của hãng này vì thu nhập của họ cao hơn trong khi chỉ số lạm phát ở hai nước này được dự báo thấp trong năm 2020. “Đây là một xu hướng dài hạn cho cả hai nước Việt Nam và Thái Lan, khi năng suất tiếp lao động tục tăng và lạm phát được kiểm soát”, ông Lee nói.

Trong danh sách 20 nền kinh tế có tốc độ tăng lương ấn tượng, châu Á tiếp tục dẫn đầu với 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời chiếm trọn năm vị trí cao nhất. Tại Trung Quốc, mức tăng lương dự kiến cao hơn mức trung bình toàn khu vực và thế giới, đạt 3,6%. “Dù có những dấu hiệu nền kinh tế Trung Quốc chậm lại do hậu quả xấu từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, tiền lương của người lao động vẫn đang ổn định và tăng trưởng, và sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế toàn cầu về tăng lương”, ông Lee nói.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nền kinh tế mới nổi ở châu Á được hưởng lợi từ mức tăng lương trên trung bình. Người lao động ở Malaysia dự kiến sẽ hứng chịu mức giảm lương xuống 2,9% vào năm 2020 so với mức 4% trong năm nay. Lý giải thực trạng này, ông Lee cho biết, dù dự báo tăng lương ở mức 5%, nhưng Malaysia lại gánh chịu tỷ lệ lạm phát vào khoảng 1-2,1%, khiến mức chi tiêu nhiều hơn, đồng nghĩa phần tích lũy của người lao động Malaysia sẽ thấp hơn. Và thực tế là Malaysia đã rời khỏi nhóm 10 nền kinh tế có mức tăng lương cao nhất châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.