Thái Lan đẩy nhanh việc nghiên cứu tham gia CPTPP

NDO -

Bộ Tài chính Thái Lan đang đẩy nhanh việc nghiên cứu những ưu và nhược điểm của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như nghiên cứu các biện pháp bảo vệ để chống lại tác động của hiệp định trên nếu Thái Lan quyết định tham gia.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan - Arkhom Termpittayapaisith. (Ảnh Asian Business Report)
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan - Arkhom Termpittayapaisith. (Ảnh Asian Business Report)

CPTPP ra đời vào năm 2019 nhằm xóa bỏ các rào cản thương mại giữa 11 quốc gia đại diện cho gần 500 triệu người tiêu dùng ở châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp ước này đã thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại tương tự bao gồm Mỹ cho đến khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi vào tháng 1-2017.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, Arkhom Termpittayapaisith cho biết ông nhận thấy cơ hội lớn hơn để mở rộng xuất khẩu nếu Thái Lan tham gia CPTPP. Theo ông Arkhom, người đồng thời là chủ tịch một nhóm làm việc phụ trách nghiên cứu CPTPP về mua sắm của chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, các nghiên cứu hoàn chỉnh sẽ sớm được chuyển đến Ủy ban Chính sách thương mại quốc tế và Chính phủ để phê duyệt.

Hồi tháng 2-2021, ông Don Pramudwinai, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Kinh tế quốc tế - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao cho hay, chính phủ cần tất cả các cơ quan liên quan tự tiến hành nghiên cứu chuyên sâu hơn theo đề xuất từ các hội đồng thường trực của Hạ viện. Ông Don nói rằng quá trình này sẽ mất khoảng ba tháng, sau đó Thái Lan có thể quyết định về việc nộp đơn xin làm thành viên CPTPP.

Chính phủ Thái Lan trong tháng 5-2020 đã đồng ý thành lập các hội đồng thường trực của Hạ viện để xem xét liệu nước này có nên gia nhập CPTPP hay không, trong bối cảnh có những lo ngại về tác động tiêu cực đối với khu vực nông nghiệp.

Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã gác lại quyết định tham gia CPTPP sau khi vấp phải nhiều phản đối gay gắt từ các chính trị gia, các nhóm xã hội dân sự và các nhân vật xã hội nổi tiếng khi cho rằng hiệp định sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe.

Các hội đồng thường trực của Hạ viện được yêu cầu nộp nghiên cứu của họ trong vòng 30 ngày, nhưng đã đề nghị được gia hạn thêm 60 ngày. Các nghiên cứu cho thấy CPTPP sẽ giáng một đòn nặng nề vào các hộ nông dân nhỏ nếu Thái Lan trở thành thành viên của Liên minh Quốc tế về Bảo hộ Giống cây trồng mới (UPOV 1991) theo yêu cầu của hiệp định này. Nghiên cứu của các hội đồng thường trực cũng cho thấy các quỹ khắc phục tác động của các hiệp định thương mại tự do không đủ để chi trả cho tất cả thiệt hại mà các lĩnh vực bị ảnh hưởng.