Điểm thời sự

Thách thức lớn

Một năm sau khi thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và lực lượng Ta-li-ban được ký kết, tình trạng bạo lực tại Áp-ga-ni-xtan vẫn tiếp diễn, trong khi các cuộc đàm phán giữa chính quyền Ca-bun và Ta-li-ban chưa tiến triển rõ rệt. Trước thực trạng này, việc có rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan vào giữa năm nay theo kế hoạch ban đầu hay không đang là bài toán khó đối với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Binh sĩ NATO tại Áp-ga-ni-xtan. Ảnh ROI-TƠ
Binh sĩ NATO tại Áp-ga-ni-xtan. Ảnh ROI-TƠ

Trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO mới đây, Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc thông báo, NATO chưa đưa ra quyết định cuối cùng về kế hoạch rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan, trong bối cảnh tình trạng bạo lực tại quốc gia Nam Á gia tăng trở lại. Trước đó, ông G.Xtôn-ten-bớc khẳng định, mặc dù không có đồng minh nào muốn ở lại lâu hơn mức cần thiết, song liên minh này sẽ không rời Áp-ga-ni-xtan trước thời điểm thích hợp. Tổng Thư ký NATO đồng thời nhấn mạnh, Ta-li-ban cần tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hòa bình đã ký với Mỹ hồi tháng 2-2020, gồm đàm phán hòa bình với Chính phủ Áp-ga-ni-xtan, giảm bạo lực và cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế, trong đó có An Kê-đa.

Quyết định của NATO về việc đi hay ở lại Áp-ga-ni-xtan được cho là phụ thuộc nhiều vào kế hoạch của chính quyền mới tại Mỹ. Theo thỏa thuận hòa bình với Ta-li-ban, Mỹ đặt thời hạn chót vào tháng 5 tới để rút tất cả lực lượng khỏi Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn cho biết, Oa-sinh-tơn sẽ xem xét lại thỏa thuận với Ta-li-ban. Trong cuộc điện đàm mới đây với Tổng thống Áp-ga-ni-xtan A.Ga-ni, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ A.Blin-ken cho biết, Mỹ đang rà soát lại chiến lược của mình ở Áp-ga-ni-xtan, xác định xem Ta-li-ban có tuân thủ thỏa thuận hòa bình đã ký hay không. Ông Blin-ken khẳng định, Oa-sinh-tơn sẽ tham vấn Chính phủ Áp-ga-ni-xtan, các đồng minh trong NATO và các đối tác quốc tế về một chiến lược tập thể nhằm hỗ trợ xây dựng một tương lai ổn định, an toàn, bảo đảm chủ quyền cho Áp-ga-ni-xtan.

Giới phân tích lo ngại, nếu Mỹ rút lực lượng trong khi các đồng minh trong NATO chưa thể tiếp quản trong ngắn hạn, tình hình tại Áp-ga-ni-xtan có thể trở nên bất ổn hơn. Thời gian gần đây, số vụ tiến công bạo lực tại Áp-ga-ni-xtan gia tăng mạnh, bất chấp các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính quyền Ca-bun và lực lượng Ta-li-ban. Theo báo cáo của Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Áp-ga-ni-xtan (UNAMA), trong năm 2020, hơn 8.800 dân thường ở Áp-ga-ni-xtan chết hoặc bị thương do xung đột. Mặc dù con số này thấp hơn 15% so năm 2019, song điều đáng báo động là nếu chỉ tính riêng quý IV năm 2020, thời điểm các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Áp-ga-ni-xtan và phiến quân Ta-li-ban bắt đầu diễn ra, số dân thường thương vong tăng cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, trong ba tháng cuối năm ngoái, số người dân chết và bị thương do bạo lực ở Áp-ga-ni-xtan tăng 45% so cùng kỳ năm 2019. Phần lớn các vụ bạo lực gây thương vong cho dân thường là do lực lượng Ta-li-ban thực hiện. Lo ngại việc Mỹ rút quân sẽ khiến bạo lực leo thang tại Áp-ga-ni-xtan, Bộ trưởng Ngoại giao Đức H.Ma-át cho rằng, thời điểm phù hợp nhất để rút binh sĩ nước ngoài khỏi chiến trường Nam Á là khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính quyền Ca-bun và lực lượng Ta-li-ban kết thúc thành công.

Tuy nhiên, Mỹ rút quân chậm hơn cam kết có thể khiến Ta-li-ban phản ứng gay gắt. Mới đây, Ta-li-ban kêu gọi Mỹ tuân thủ các cam kết đã ký dưới thời cựu Tổng thống Đ.Trăm, đồng thời nhấn mạnh, tiến trình hòa bình tại Áp-ga-ni-xtan sẽ bị đe dọa nếu đến tháng 5 tới, các binh sĩ nước ngoài chưa rút khỏi Áp-ga-ni-xtan theo thỏa thuận.

Mỹ và các đồng minh NATO đang ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan", khi thời hạn chót để rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan đang đến gần nhưng Ta-li-ban không có dấu hiệu chấm dứt bạo lực.