Tân Tổng thống Mỹ công bố một loạt chính sách mới

NDO -

Ngày 25-1, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp bãi bỏ lệnh cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội. Quyết định này đánh dấu nỗ lực mới nhất của ông Biden trong việc hiện thực hóa cam kết tranh cử và đảo ngược một loạt chính sách dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. 

Ông Biden trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo tại Nhà trắng, ngày 25-1. (Ảnh: AP)
Ông Biden trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo tại Nhà trắng, ngày 25-1. (Ảnh: AP)

Trong thông báo trên Twitter, tân Tổng thống Biden khẳng định nước Mỹ sẽ an toàn hơn khi tất cả người dân đủ điều kiện có thể phục vụ trong quân đội "một cách công khai và tự hào". 

Tuyên bố của Nhà trắng cho biết: "Tổng thống Biden tin rằng giới tính không nên là rào cản đối với việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và sức mạnh của nước Mỹ nằm ở sự đa dạng". Nhà trắng nhấn mạnh việc cho phép tất cả người Mỹ đủ năng lực được phục vụ đất nước trong quân đội sẽ "tốt hơn cho quân đội và quốc gia", khẳng định đây là điều đúng đắn và nằm trong lợi ích quốc gia. 

Năm 2016, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama thuộc đảng Dân chủ đã cho phép người chuyển giới được công khai phục vụ trong quân đội và được chăm sóc y tế để chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, vào tháng 7-2017, ông Trump đã đảo ngược chính sách này. 

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện có khoảng 1,3 triệu quân nhân tại ngũ trong quân đội Mỹ. Không có con số chính thức về số quân nhân là người chuyển giới. Tuy nhiên, số liệu ước tính của Viện Nghiên cứu chính sách Rand công bố năm 2016 cho thấy con số này là khoảng 2.450 người.

Cùng ngày, tân Tổng thống Biden tuyên bố sẽ thay thế đội xe khoảng 650 nghìn chiếc của Chính phủ Mỹ bằng các mẫu xe điện khi chính quyền mới chuyển trọng tâm sang phát triển năng lượng sạch. Các xe điện này được sản xuất tại Mỹ và do công nhân Mỹ chế tạo. Việc chuyển đổi sang xe điện có thể tiêu tốn 20 tỷ USD hoặc hơn. 

Theo Cơ quan Dịch vụ tổng hợp Mỹ (GSA), tính đến tháng 7-2020, đội xe của Chính phủ Mỹ gồm 645 nghìn chiếc các loại, trong đó chỉ có hơn 3.200 xe điện. Trong năm 2019, kinh phí duy trì đội xe này là 4,4 tỷ USD. 

Về chính sách đối ngoại, ngày 25-1, nữ phát ngôn viên Nhà trắng Jen Psaki cho biết, tân Tổng thống Biden muốn có một cách tiếp cận "kiên nhẫn" trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Bà Psaki nêu rõ chính quyền của tân Tổng thống Biden sẽ tiến hành tham vấn với các chính khách đảng Dân chủ và Cộng hòa, cũng như các đối tác và đồng minh quốc tế về vấn đề này trong những tuần tới.

Cùng ngày 25-1, phát biểu ý kiến trước các phóng viên tại Nhà trắng, Tổng thống Biden cho rằng, Mỹ sẽ phải mất vài tháng mới có thể thực hiện tiêm chủng đại trà cho quốc gia 328 triệu dân này. Tuy nhiên, ông tin tưởng công tác tiêm chủng đại trà sẽ được thực hiện ngay trong mùa xuân và theo đà đó, nước này sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào mùa hè. 

Tổng thống Biden nhắc lại mục tiêu đầu tiên trong 100 ngày đầu nhậm chức của ông là phân phối được 100 triệu liều vaccine tới người dân Mỹ. 

Liên quan đến kế hoạch giải cứu kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, ông cho biết các cuộc thương lượng với các nghị sĩ của đảng Cộng hòa về vấn đề này có thể sẽ kéo dài trong nhiều tuần tới và khẳng định sẽ không giảm quy mô gói cứu trợ. 

Trong khi chính quyền của Tổng thống Biden cho rằng, cần thêm nhiều gói hỗ trợ để ngăn chặn đà suy giảm liên tục của nền kinh tế số một thế giới vốn đang gặp khó khăn, các nghị sĩ đảng Cộng hòa lại phản đối mạnh mẽ và yêu cầu cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Gói cứu trợ do đảng Dân chủ thúc đẩy tập trung nguồn tài chính cho các chương trình tiêm chủng, hỗ trợ 400 USD/tuần cho người thất nghiệp và hỗ trợ 1.400 USD tiền mặt cho mỗi người dân Mỹ.