Số ca nhiễm mới Covid-19 trong 24 giờ vẫn ở mức rất cao

NDO -

Trong vòng 24 giờ qua, tình hình dịch Covid trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm mới và số ca tử vong vẫn ở mức rất cao lần lượt là hơn 411 nghìn ca nhiễm Covid-19 và hơn 5 nghìn ca tử vong.

(Ảnh minh hoạ: Reuters)
(Ảnh minh hoạ: Reuters)

Theo số liệu trang Worldometers, tính đến 9 giờ ngày 27-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 43,77 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 32,17 triệu người đã hồi phục và 1.164.236 ca tử vong. 

Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới với hơn 8,96 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 231 nghìn ca tử vong. Ấn Độ và Brazil đứng thứ 2 và 3 với số ca nhiễm lần lượt là 7,94 triệu ca nhiễm và 5,41 triệu ca nhiễm. 

Tại châu Âu, tuy đã tăng cường nhiều biện pháp hạn chế xã hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhưng tại Pháp và Hungary, số ca mắc mới trong 24 giờ qua đã tăng cao tới mức kỷ lục. Chính phủ Pháp đã mở rộng quy mô lệnh giới nghiêm ban đêm đối với các khu vực có khoảng 46 triệu người sinh sống.

Theo TTXVN, Liên hiệp châu Âu (EU) đã thu hẹp quy mô các hội nghị quan chức cấp cao và chuyên gia, thay vào đó ưu tiên tổ chức các cuộc họp trực tuyến do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang gia tăng mạnh tại Brussels (Bỉ) trong những ngày qua.

Theo một người phát ngôn của EU, hiện thủ đô của Bỉ, cũng là nơi đặt trụ sở chính của nhiều tổ chức của EU, đang là một trong những điểm nóng có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất thế giới, khi làn sóng dịch bệnh thứ hai đang bùng phát trên khắp châu Âu.

Trong tháng này, Hội nghị thượng đỉnh EU đã bị gián đoạn khi có tới ba nhà lãnh đạo phải tự cách ly sau khi tiếp xúc với một người nhiễm virus và hai ngoại trưởng cùng một thủ tướng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện phần lớn công việc hằng ngày tại Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đều được điều hành trực tuyến, trong khi Nghị viện châu Âu cũng phải hủy một phiên họp toàn thể ở Strasbourg (Pháp).

Người phát ngôn của EU cho biết: "Chỉ có các cuộc họp cấp thiết liên quan đến hoạt động của EU hoặc phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay mới có thể được tổ chức trực tiếp, và chỉ với điều kiện tất cả các thành phần tham dự phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh và giãn cách xã hội."

Phát biểu tại cuộc họp các đại sứ EU, người phát ngôn trên khẳng định những biện pháp này sẽ được áp dụng cho đến khi tình hình dịch bệnh tại Brussels được kiểm soát.

Tuy nhiên, Đức, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cảnh báo việc giải quyết bất đồng giữa các nghị sĩ liên quan đến các điều khoản cụ thể trong ngân sách dài hạn lên tới cả nghìn tỷ euro của liên minh sẽ là rất khó nếu không có các cuộc đàm phán trực tiếp.

Về mặt nguyên tắc, lãnh đạo các nước EU đã nhất trí về phục hồi kinh tế 750 tỷ euro trong giai đoạn hậu Covid-19 và ngân sách 1.075 tỷ euro trong giai đoạn 2021-2027.

Tại khu vực Đông - Nam Á, Indonesia hiện là quốc gia có tổng số ca bệnh và tử vong vì Covid-19 cao nhất tại khu vực. Trong ngày 16-10, quốc gia này ghi nhận thêm 3.222 ca nhiễm mới đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 392 nghìn ca.

Theo TTXVN, Hiệp hội bác sĩ Indonesia (IDI) cho biết tính đến ngày 25-10, 253 nhân viên y tế của nước này đã tử vong do mắc Covid-19 và số lượng các ca tử vong ở các nhân viên y tế đang ngày càng tăng.

Trong một tuyên bố, bà Eka Mulyana - thành viên nhóm giảm thiểu của IDI, cho hay trong hơn sáu tháng qua kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát tại Indonesia, số lượng các nhân viên y tế tử vong không ngừng tăng và ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn.

Số lượng nhân viên y tế bị tử vong nói trên bao gồm 141 bác sĩ, 9 nha sĩ và 103 y tá. Tỉnh Đông Java có số lượng bác sĩ tử vong lớn nhất với 35 người, tiếp đó là tỉnh Bắc Sumatra (23 người) và thủ đô Jakarta (20 người).

Bà Eka nhấn mạnh: "Không một quốc gia, một bệnh viện hoặc phòng khám y tế nào có thể bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân trừ khi các nhân viên y tế của họ được bảo vệ hoàn toàn trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, không bao giờ có thể bù đắp sự mất mát của các nhân viên y tế trong một khoảng thời gian ngắn."

Philippines - quốc gia chịu tác động dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á - tiếp tục ghi nhận thêm 1.607 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên là 371.630 ca.

Theo TTXVN, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro mới đây thông báo, Viện Nghiên cứu Khoa học Venezuela (IVIC) đã phát hiện một phân tử mang tên DR-10 có khả năng tiêu diệt virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 mà không có bất kỳ loại độc tính nào gây ảnh hưởng tới các phân tử khỏe mạnh để tạo ra các phản ứng phụ tiêu cực.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Maduro cho biết đây là kết quả nghiên cứu trong thời gian sáu tháng của các nhà khoa học Venezuela và sắp tới nước này sẽ xây dựng lộ trình để xác nhận công trình nghiên cứu của IVIC thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Một khi nghiên cứu này được WHO cấp phép, phía Venezuela sẽ tiến hành liên kết với một số đối tác nước ngoài để bào chế và sản xuất đại trà thuốc chữa bệnh Covid-19.

Liên quan đến công trình này, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Venezuela Gabriela Jimenez chia sẻ, các nghiên cứu bắt nguồn từ một loài thực vật có hoạt tính y học được chuyển giao cho IVIC để tiến hành các bước nghiên cứu hóa học về các đặc tính của loại cây này.

Theo bà Jimenez, "nghiên cứu hóa học được giám sát thông qua các hoạt động sinh học trong các tế bào bị nhiễm virus SARS-CoV-2 lấy ra từ các bệnh nhân người Venezuela và sau một thời gian các nhà khoa học đã xác định được nguyên tắc hoạt động của phân tử là một loại dẫn xuất của axit ursolic và phân tử này cho thấy có thể ức chế 100% loại virus trong ống nghiệm."

Bộ trưởng Jimenez nhấn mạnh, từ đó các nhà khoa học Venezuela tập trung xác định cấu trúc hóa học của phân tử, cũng như thực hiện các nghiên cứu thống kê liên quan trong phòng thí nghiệm virus học. Đây sẽ là một bước tiến đột phá trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 9 giờ ngày 27-10 (giờ Việt Nam):

5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 8.962.783 ca mắc, 231.045 ca tử vong
2. Ấn Độ: 7.945.888 ca mắc, 119.535 ca tử vong
3. Brazil: 5.411.550 ca mắc, 157.451 ca tử vong
4. Nga: 1.531.224 ca mắc, 26.269 ca tử vong
5. Pháp: 1.165.278 ca mắc, 35.018 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 392.934 ca mắc, 13.411 ca tử vong
2. Philippines: 371.630 ca mắc, 7.039 ca tử vong
3. Singapore: 57.973 ca mắc, 28 ca tử vong
4. Myanmar: 46.200 ca mắc, 1.122 ca tử vong
5. Malaysia: 27.805 ca mắc, 236 ca tử vong
6. Thái Lan: 3.743 ca mắc, 59 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.169 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 287 ca mắc
9. Brunei: 148 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 24 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 13.229.168 ca mắc, 235.814 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 10.727.558 ca mắc, 344.576 ca tử vong
3. Nam Mỹ: 9.408.738 ca mắc, 288.980 ca tử vong
4. Châu Âu: 8.628.924 ca mắc, 252.214 ca tử vong
5. Châu Phi: 1.738.877 ca mắc, 41.672 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 36.551 ca mắc, 965 ca tử vong