Số ca nhiễm mới Covid-19 giảm xuống mức dưới 290 nghìn

NDO -

Theo số liệu trang Worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 23-2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 112,25 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 87,77 triệu ca đã hồi phục và 2.484.862 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận hơn 285 nghìn ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong ở mức hơn 6.518 ca.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo quốc gia, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu về số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới với hơn 28,82 triệu ca nhiễm. Trong vòng 24 giờ đất nước thuộc châu Mỹ này ghi nhận hơn 59 nghìn ca nhiễm và 1.374 ca tử vong.

Ấn Độ và Brazil đứng thứ 2 và 3 với số ca nhiễm lần lượt là hơn 11,01 triệu ca nhiễm và hơn 10,19 triệu ca nhiễm. Đứng thứ 4 và 5 về số ca mắc Covid-19 là Nga và Anh với số ca nhiễm ghi nhận lần lượt ở mức hơn 4,17 triệu ca nhiễm và hơn 4,12 triệu ca nhiễm.

Theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 33,24 triệu ca mắc và 793.814 ca đã tử vong. Tiếp đến là Bắc Mỹ với hơn 33,04 triệu người mắc Covid-19, trong đó có 740.318 ca đã tử vong. Xếp thứ 3 là châu Á với hơn 24,56 triệu ca nhiễm và 392.368 ca tử vong.

Còn tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia vẫn dẫn đầu về tổng số ca nhiễm Covid-19. Theo Worldometers.info tính đến 9 giờ (giờ Việt Nam) cùng ngày, quốc gia này ghi nhận hơn 10.792 ca nhiễm mới đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 1,28 triệu ca. Tiếp đến là Philippines với tổng số ca nhiễm ghi nhận là hơn 563.000 ca.

Theo TTXVN, ngày 22-2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trình bày trước Hạ Viện Anh về lộ trình bốn bước nới lỏng phong tỏa tại vùng England.

Theo kế hoạch, vùng England sẽ bắt đầu bước một nới lỏng lệnh phong tỏa là ngày 8-3 kết thúc 11 tuần tuần phong tỏa cấp độ cao nhất, và là lần phong tỏa thứ ba trong vòng 12 tháng qua.

Thủ tướng Johnson nhấn mạnh việc chuyển sang từng bước mới sẽ được quyết định dựa trên các số liệu thu thập bốn tuần gần nhất. Thủ tướng Johnson cho biết dự kiến mỗi bước nới lỏng lệnh phong tỏa sẽ cách nhau năm tuần, Chính phủ sẽ công bố trước một tuần khi bước sang bước tiếp theo.

Bước một của nới lỏng sẽ bắt đầu từ ngày 8-3, các trường học phổ thông sẽ mở cửa lại trường học hoàn toàn. Học sinh được hỗ trợ để tiến hành xét nghiệm 2 lần/tuần.

Đối với hệ đại học, cao đẳng một số khóa học cần thiết phải dùng đến các trang thiết bị chung cũng được tổ chức nối lại, còn vẫn chủ yếu học trực tuyến, đến cuối tháng Tư sẽ xem xét để các trường đại học mở lại ký túc xá và học trên lớp hoàn toàn.

Từ ngày 29-3 mọi người không bị bắt buộc phải ở trong nhà hoàn toàn như hiện nay, một số hoạt động thể thao ngoài trời như đá bóng, chơi golf sẽ được phép, mọi người có thể gặp gỡ nhóm tối đa sáu người ngoài trời, hoặc hai hộ gia đình có thể gặp gỡ nhau ngoài trời.

Bước hai sẽ không sớm trước ngày 12-4, không còn giờ giới nghiêm, các cửa hàng cung cấp dịch vụ không thiết yếu đều mở cửa trở lại, các quán rượu nhà, nhà hàng được mở cửa trở lại phục vụ ngoài trời, công viên mở cửa trở lại nhưng vẫn giữ khoảng cách giãn cách xã hội theo quy định.

Bước ba sẽ không mở sớm trước ngày 17-5, hầu hết các hạn chế trong các hoạt động ngoài trời dỡ bỏ, các nhà hàng, quán rượu được mở cửa phục vụ trong nhà, các nhà hát, rạp chiếu phim mở cửa trở lại nhưng phải tăng cường công tác xét nghiệm.

Bước bốn sẽ không mở sớm trước ngày 21-6, mọi hạn chế trong tiếp xúc xã hội đều được dỡ bỏ, những sự kiện lớn tụ tập đông người như đám cưới được diễn ra bình thường.

Sau bốn bước này, chỉnh phủ sẽ có xem xét đánh giá và đưa ra kế hoạch về cấp chứng nhận tình trạng Covid-19, quy định đối với tổ chức các sự kiện đông người, vấn đề đi lại, và quy định mới về giãn cách xã hội.

Cũng theo TTXVN, ngày 22-2, Chính phủ Italy đã thông báo gia hạn lệnh cấm đi lại không cần thiết giữa 20 vùng của nước này cho đến ngày 27-3 trong bối cảnh nước này đang nỗ lực làm chậm tốc độ lây nhiễm của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Lệnh cấm đi lại giữa các vùng ở Italy đã được ban hành vào ngày 24-12-2020 và theo kế hoạch sẽ hết hiệu lực vào ngày 25-2. Tuy nhiên, giới chức Italy lo ngại việc nới lỏng các hạn chế có thể dẫn tới số ca nhiễm mới gia tăng do biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh.

Trong quyết định đầu tiên về phòng chống Covid-19, tân nội các của Thủ tướng Mario Draghi cũng gia hạn các hạn chế đối với hoạt động thăm viếng gia đình và bạn bè, theo đó không có quá hai người trưởng thành được phép đến nhà của một người khác vào cùng thời điểm.

Không chuyến thăm nào được thực hiện ở "vùng đỏ," nơi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất đang được áp đặt. Dù hiện tại, không vùng nào ở Italy bị liệt vào "vùng đỏ," song một số tỉnh, thị trấn và làng mạc đã bị áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất.

Mặc dù số ca nhiễm theo ngày ở Italy đã giảm từ khoảng 40.000 ca hồi giữa tháng 11-2020 xuống dưới 15.000 ca hiện nay, song tỷ lệ lây nhiễm lại tăng ở một số vùng trong khi số ca tử vong lên tới vài trăm ca tử vong mỗi ngày.

Đến nay, Italy ghi nhận tổng cộng 95.718 ca tử vong do Covid-19, trở thành nước có số ca tử vong lớn thứ hai ở châu Âu (sau Anh) và lớn thứ bảy trên thế giới.

Italy cũng như các nước thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU), bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 vào cuối tháng 12-2020 và đến nay đã dùng 3,5 triệu mũi vaccine, trong đó có nhiều người đã tiêm mũi thứ hai. Nước này đã nhận 4,69 triệu liều vaccine từ các hãng sản xuất vaccine trên thế giới.

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba

Dưới đây là thống kê của Worldometers.info về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 9 giờ ngày 23-2 (giờ Việt Nam):

5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

1. Mỹ: 28.826.307 ca mắc, 512.590 ca tử vong

2. Ấn Độ: 11.015.863 ca mắc, 156.498 ca tử vong

3. Brazil: 10.197.531 ca mắc, 247.276 ca tử vong

4. Nga: 4.177.330 ca mắc, 83.860 ca tử vong

5. Vương quốc Anh: 4.126.150 ca mắc, 120.757 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:

1. Indonesia: 1.288.833 ca mắc, 34.691 ca tử vong

2. Philippines: 563.456 ca mắc, 12.094 ca tử vong

3. Malaysia: 285.761 ca mắc, 1.062 ca tử vong

4. Myanmar: 141.761 ca mắc, 3.197 ca tử vong

5. Singapore: 59.879 ca mắc, 29 ca tử vong

6. Thái Lan: 25.504 ca mắc, 83 ca tử vong

7. Việt Nam: 2.392 ca mắc, 35 ca tử vong

8. Campuchia: 568 ca mắc

9. Brunei: 185 ca mắc, 03 ca tử vong

10. Lào: 45 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:

1. Châu Âu: 33.247.373 ca mắc, 793.814 ca tử vong

2. Bắc Mỹ: 33.047.302 ca mắc, 740.318 ca tử vong

3. Châu Á: 24.564.712  ca mắc, 392.368 ca tử vong

4. Nam Mỹ: 17.479.886 ca mắc, 455.406 ca tử vong

5. Châu Phi: 3.864.060 ca mắc, 101.816 ca tử vong

6. Châu Đại Dương: 50.844 ca mắc, 1.085 ca tử vong