Quan hệ đồng minh chiến lược

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Au-xtin vừa có chuyến thăm hai ngày tới I-xra-en. Đây là chuyến thăm đầu tiên của quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn tới quốc gia đồng minh ở Trung Đông nhằm khẳng định sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai bên. Oa-sinh-tơn tiếp tục phải bảo đảm “chiếc ô an ninh” cho I-xra-en trong bối cảnh đồng minh Mỹ lo ngại trước những diễn biến xảy ra ở khu vực.

Chuyến thăm I-xra-en của người đứng đầu Lầu năm góc diễn ra đúng lúc căng thẳng giữa I-xra-en và I-ran gia tăng. I-xra-en vô cùng lo ngại trước việc chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn xúc tiến các bước đi nhằm đưa Oa-sinh-tơn tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân I-ran ký năm 2015 mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).  I-xra-en luôn phản đối ý định của Mỹ quay lại JCPOA vì cho rằng thỏa thuận này có thể mở đường cho Tê-hê-ran phát triển vũ khí hạt nhân, cũng như đe dọa sự sống còn của quốc gia Do thái. Những tiến triển trong các cuộc đàm phán diễn ra tại Viên (Áo) mới đây giữa các cường quốc còn lại tham gia JCPOA với I-ran liên quan việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Oa-sinh-tơn đối với Tê-hê-ran, cũng như việc đưa cả Mỹ và I-ran trở lại các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân được cho là những tin tức không như mong đợi đối với I-xra-en.

Trong khi đó, diện mạo tiến trình hòa bình Trung Đông đang chứng kiến sự thay đổi sau khi chính quyền của Tổng thống G.Bai-đơn đưa ra tuyên bố, trong đó có quan điểm “đảo ngược” với chính sách thời chính quyền tiền nhiệm đối với cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin. Chính quyền mới ở Mỹ không ủng hộ một số quyết định của cựu Tổng thống Đ.Trăm, trong đó có việc công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en. Khẳng định sự kiểm soát của I-xra-en đối với khu Bờ tây là “sự chiếm đóng”, chính quyền mới ở Mỹ kêu gọi I-xra-en kiềm chế các hành động đơn phương có khả năng làm gia tăng căng thẳng trên các vùng lãnh thổ của Pa-le-xtin, cũng như làm xói mòn các nỗ lực xúc tiến giải pháp hai nhà nước. Chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn mới đây còn quyết định nối lại viện trợ kinh tế, phát triển và nhân đạo cho người Pa-le-xtin, trong đó có hoạt động tài trợ cho Cơ quan của Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Pa-le-xtin (UNRWA), vốn bị cắt giảm dưới thời chính quyền tiền nhiệm Đ.Trăm.  Đây được cho là “một bước đi tích cực”, thể hiện thiện chí của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn trong việc khôi phục quan hệ với Pa-le-xtin. Ngoài việc nối lại viện trợ, Oa-sinh-tơn cũng có kế hoạch mở lại cơ quan đại diện ngoại giao của Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) và hỗ trợ tiến trình hòa đàm giữa I-xra-en với Pa-le-xtin để đạt được giải pháp hai nhà nước, vốn được Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn khẳng định ủng hộ và coi là “giải pháp không thể thay thế”. 

Dưới thời cựu Tổng thống Đ.Trăm, Oa-sinh-tơn đã đưa ra những quyết định có lợi cho I-xra-en trong các vấn đề như cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin hay thỏa thuận hạt nhân I-ran, thì chính quyền do Tổng thống G.Bai-đơn dẫn dắt đã có những chính sách khác biệt, thậm chí đảo ngược với chính quyền tiền nhiệm. Chính quyền Tổng thống G. Bai-đơn khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với I-xra-en và an ninh của quốc gia này, cũng như mong muốn củng cố mối quan hệ đối tác Mỹ - I-xra-en trên mọi phương diện, song cũng nhấn mạnh rằng, người I-xra-en và người Pa-le-xtin cần được hưởng các biện pháp bình đẳng về tự do, an ninh, thịnh vượng và dân chủ. Mặc dù khẳng định tiếp tục bảo đảm an ninh cho I-xra-en, song chính quyền của Tổng thống G.Bai-đơn vẫn xúc tiến nhằm đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân với I-ran. Các động thái này dẫn tới sự nghi ngại từ phía đồng minh truyền thống I-xra-en. Trong chuyến thăm I-xra-en vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Au-xtin phải “trấn an” đồng minh khi ông khẳng định Oa-sinh-tơn coi liên minh giữa Mỹ và I-xra-en là “yếu tố chủ chốt” đối với an ninh khu vực. Oa-sinh-tơn sẽ phối hợp Ten A-víp để thúc đẩy các lợi ích và ưu tiên an ninh chung. Nhấn mạnh quan hệ đồng minh “vững như bàn thạch” với I-xra-en, ông chủ Lầu năm góc khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ để bảo đảm sức mạnh quân sự và an ninh của I-xra-en.  

Dù chính quyền của Tổng thống G.Bai-đơn đã có những điều chỉnh chính sách không đủ thân I-xra-en như chính quyền tiền nhiệm, song Oa-sinh-tơn vẫn muốn khẳng định coi trọng mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa hai nước. Với quan hệ lợi ích ràng buộc, I-xra-en cũng tuyên bố xem Mỹ là đối tác toàn diện và sẽ phối hợp chặt chẽ với Oa-sinh-tơn trong vấn đề I-ran. Tuy nhiên, một đòi hỏi từ phía Ten A-víp đối với đồng minh lâu năm rằng, bất cứ thỏa thuận mới nào của Mỹ với I-ran hay cách tiếp cận mới nào của Oa-sinh-tơn đối với tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn sẽ phải bảo đảm duy trì các lợi ích sống còn của I-xra-en.