Pháp thông qua 25 sắc lệnh ứng phó dịch bệnh, ổn định tình hình kinh tế-xã hội

NDO -

NDĐT - Thủ tướng Pháp Edouard Philippe vừa cho biết, Hội đồng Bộ trưởng đã thông qua 25 sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp y tế nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng bệnh dịch Covid-19, đồng thời triển khai các biện pháp cấp bách để khắc phục hậu quả và ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Quân đội Pháp được huy động tham gia hoạt động cứu chữa bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: AFP)
Quân đội Pháp được huy động tham gia hoạt động cứu chữa bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: AFP)

Phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Edouard Philippe nhấn mạnh: Chưa bao giờ kể từ năm 1958, Hội đồng Bộ trưởng phải ban hành số lượng sắc lệnh nhiều như vậy, cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng bệnh dich hiện nay. Vì vậy nước Pháp phải chuẩn bị các biện pháp, nỗ lực lâu dài để giải quyết những tác động, hậu quả của bệnh dịch.

Ngày 24-3, tình trạng khẩn cấp y tế chính thức bắt đầu ở Pháp và kéo dài hai tháng sau khi Quốc hội thông qua luật này. Đây là cơ sở để Chính phủ ban hành những sắc lệnh nhằm đối phó dịch bệnh Covid-19, đồng thời hỗ trợ tất cả các lĩnh vực đang bị đình trệ, gián đoạn nghiêm trọng.

Theo Thủ tướng Pháp, tình trạng khẩn cấp về y tế, sức khỏe đang là mối quan tâm của cả nước nhưng còn nhiều vấn đề khác cũng phải giải quyết, đó là cú sốc kinh tế - xã hội. Ông Edouard Philippe cảnh báo rằng nước Pháp mới chỉ ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, đồng thời kêu gọi người dân nỗ lực hết sức để cùng Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Pháp thông qua 25 sắc lệnh ứng phó dịch bệnh, ổn định tình hình kinh tế-xã hội ảnh 1

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo về cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng. (Ảnh: Liberation-AFP)

Về các biện pháp kinh tế, Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire nhắc lại cam kết lên tới 300 tỷ euro của nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn do hoạt động kinh doanh, sản xuất đình trệ. Các doanh nghiệp có doanh thu dưới 1,5 triệu euro được bảo lãnh để vay tiền nhằm duy trì hoạt động. Đối với doanh nghiệp nhỏ, người tự kinh doanh và người lao động độc lập có doanh thu dưới 1 triệu euro sẽ hoãn trả các khoản thuế, đóng góp xã hội và chi phí điện, nước, tiền thuê địa điểm...

Đối với đề nghị của Hội đồng Khoa học về việc kéo dài thời hạn của lệnh hạn chế di chuyển được thực thi từ ngày 17-3, người phát ngôn của Chính phủ Sibeth Ndiaye cho biết Chính phủ sẽ xem xét và công bố "trong những ngày tới." Theo bà Sibeth Ndiaye, Chính phủ sẽ quyết định thời hạn cần thiết để duy trì lệnh này.

Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, chưa có dấu hiệu suy giảm với số người tử vong và nhiễm đã lên tới 22.304 và 1.100 tính tới ngày 24-3. Điều này dẫn tới sự lo ngại ngày càng lớn đối với người dân ở Pháp. Kết quả thăm dò do Viện Elabe-Berger Levrault và kênh truyền hình BFM vừa thực hiện với hơn một nghìn người từ 18 tuổi trở lên cho thấy có 87% hiện lo ngại về cuộc khủng hoảng sức khỏe do bệnh dịch Covid-19. Cụ thể, nhóm tuổi 18-24 ít lo sợ hơn các nhóm tuổi lớn hơn và ngày càng có nhiều người cho rằng Pháp "chưa sẵn sàng" đối phó bệnh dịch. Điều đáng chú ý là có 9/10 người cho biết họ đã nhận thức rõ nguy cơ lây nhiễm và hằng ngày thực hiện triệt để các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm. Kết quả này cho thấy người dân ở Pháp ngày càng thấy rõ sự nguy hiểm của bệnh dịch, khác hẳn sự chủ quan trong tuần trước.

Trong mấy ngày qua, bệnh dịch lây lan nhanh ở vùng thủ đô Ile-de-France của Pháp và có số ca nhiễm nhiều nhất trong 12 vùng với 6.798 ca trong đó có hơn 1.000 bệnh nhân đang được chăm sóc đặt biệt trong bệnh viện. Ông Martin Hirsch, Tổng giám đốc hệ thống bệnh viện Paris cho biết, tình hình rất khó khăn vì thiếu khẩu trang y tế và mặt nạ dưỡng khí. Các bác sĩ hồi sức cấp cứu đang rất lo ngại về tình trạng quá tải trong khi bệnh dịch vẫn diễn biến nghiêm trọng.

Hiện Pháp vẫn tiếp tục thử nghiệm phương pháp điều trị với thuốc chữa sốt rét chloroquine trong đó có hoạt chất hydroxychloroquine. Bà Françoir Barré-Sinoussi, từng nhận giải Nobel Y học và hiện là Chủ tịch Hội đồng Khoa học tư vấn cho Tổng thống Pháp, cho biết: Cần phải có kết quả rõ ràng, vững chắc. Đó là lý do tại sao hoạt loại thuốc này mới được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Hiện mới có kết quả ban đầu và chúng tôi phải bảo đảm rằng không có tác dụng phụ nguy hiểm, nhất là vấn đề về tim. Cần phải có một nghiên cứu đầy đủ về số lượng bệnh nhân trong điều kiện cũng như phương pháp cực kỳ nghiêm ngặt.

Cùng với việc thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh do Chinh phủ đưa ra, các địa phương ở Pháp cũng ban hành các lệnh cấm riêng như lệnh giới nghiêm vào buổi tối tại hơn 20 thành phố. Ngày 25-3, chính quyền thành phố Cannes ở ven biển phía nam nước Pháp đã tiến hành phun thuốc khử trùng các đường phố, khu vực công cộng trước bệnh viện, nhà thuốc viện dưỡng lão, cửa hàng, trung tâm mua sắm, bến tàu tàu... Thành phố Nice ở bên cạnh cũng sẽ tiến hành vệ sinh, tẩy trùng ba lần/tuần nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm ở các nơi công cộng.

Sau 9 ngày thực hiện lệnh hạn chế di chuyển, chất lượng không khí ở một số khu vực đô thị lướn nhất là Paris và Lyon đã được cải thiện đáng kể. Theo Hiệp hội giám sát chất lượng không khí Pháp, chất lượng không khí tại khu vực Paris đã tốt hơn 20-30% so với các tháng trước đó. Nguyên nhân chính là do sự sụt giảm mạnh về giao thông đượng bộ và đường không. Chỉ số chất lượng không khí ở các khu dân cư gần bằng khu vực công viên. Đây là lần đầu tiên có sự cải thiện lớn như vậy trong vòng 40 năm qua. Cơ quan giám sát môi trường ở thành phố Lyon, khu đô thị lớn thứ hai ở Pháp thuộc vùng trung-đông Auvergne-Rhône-Alpes, cũng xác nhận sự sụt giảm tới 45% nồng độ ni-tơ dioxide và 30% bụi mịn. Tình trạng ít ô nhiễm như vậy chưa xảy ra ở đây.