Pháp có thêm 2.389 ca nhiễm, 365 ca tử vong

NDO -

NDĐT - Tại cuộc họp báo tối 26-3 về tình hình bệnh dịch, Tổng Cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon cho biết, có thêm 2.389 ca nhiễm và 365 ca tử vong trong 24 giờ qua ở nước này, trong đó có một trường hợp trẻ tuổi đầu tiên, 16 tuổi, ở vùng thủ đô Ile-de-France.

.

Pháp huy động tàu cao tốc TGV để chở bệnh nhân Covid-19 tới các bệnh viện còn trống phòng điều trị đặc biệt. Ảnh: Bộ Nội vụ Pháp - AFP.
Pháp huy động tàu cao tốc TGV để chở bệnh nhân Covid-19 tới các bệnh viện còn trống phòng điều trị đặc biệt. Ảnh: Bộ Nội vụ Pháp - AFP.

Theo đó, tổng số ca tử vong tại bệnh viện đã lên tới 1.696. Hiện có 3.375 trường hợp cần chăm sóc đặc biệt và gần sáu nghìn người được chữa khỏi. Ông cũng cho biết, phương pháp tính số người nhiễm và tử vong ở Pháp sẽ được thay đổi vì cho tới nay thống kê ở nước này chỉ căn cứ vào số người nhiễm được xét nghiệm và điều trị ở bệnh viện. Do đó, con số thực tế có thể cao hơn nhiều so với tổng số nhiễm 29.155 được xác nhận từ Bộ Y tế.

Theo kênh truyền hình BFM, thông tin từ các phòng khám tư cho biết có gần 42 nghìn trường hợp được chẩn đoán nhiễm bệnh. Hiệp hội bác sĩ SOS ở các thành phố cũng nhận cũng xác nhận gần 10 nghìn trường hợp tư vấn với các triệu chứng rõ rệt của bệnh Covid-19.

Pháp có thêm 2.389 ca nhiễm, 365 ca tử vong ảnh 1

Ông Jérôme Salomon cho biết, số lượng xét nghiệm sẽ tăng gấp đôi vào cuối tuần này so với mức hiện nay là 10.000 và tới 25-30 nghìn/ngày từ tuần sau. Một phương pháp mới sẽ sớm được áp dụng để tìm kháng thể thay vì phát hiện virus corona. Điều này rất quan trọng vì người nào có kháng thể khi bị nhiễm tức là không chỉ ngăn chặn được sự tấn công của virus corona mà còn không có nguy cơ gây lây nhiễm cho người khác.

Ông nhận định: Rất khó để xác định khi nào dịch ở Pháp đạt đỉnh vì nhiều người mới phát bệnh nhưng đã nhiễm virus corona từ trước khi có lệnh hạn chế di chuyển. Mọi người đã hạn chế ra ngoài, do vậy chúng tôi hy vọng rằng số nhiễm sẽ giảm trong tuần tới. Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn bệnh dịch bùng phát thêm và tránh nguy cơ quá tải cho các bệnh viện. Vì vậy những ngày tới sẽ rất căng thẳng và chúng tôi hy vọng rằng sẽ có sự thay đổi tích cực.

Các nhân viên y tế ở Pháp trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 đang phải chịu nhiều sức ép rất lớn do số lượng bệnh nhân ngày càng tăng và với nguy cơ lây nhiễm. Hiện đã làm năm bác sĩ tử vong. Hơn 100 nghìn cảnh sát và hiến binh cũng rất e ngại khi làm nhiệm vụ ở bên ngoài, nhất là khi được lệnh tăng cường kiểm tra những người ra đường trong thời gian có lệnh hạn chế di chuyến. Báo chí Pháp đưa tin về trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm virus corona của một thành viên thuộc lực lượng hiến binh. Cảnh sát và hiến binh Pháp hiện không được trang bị đầy đủ khẩu trang y tế vì phải dành ưu tiên cho các nhân viên y tế. Đại diện các công đoàn cảnh sát đã đề nghị Bộ Nội vụ cung cấp thêm đồ phòng dịch bệnh bảo đảm an toan khi thực thi nhiệm vụ kiểm soát trong thời gian này.

Ngày 26-3, Viện Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) cho biết hoạt động kinh tế và tiêu dùng hộ gia đình hiện ở mức 65% so với thời gian trước khi dịch bùng phát. Trong báo cáo hằng tháng về tình hình kinh tế kể từ khi lệnh hạn chế di chuyển được thực thi, INSEE đánh giá rằng chỉ số niềm tin kinh doanh đã giảm từ 105 xuống còn 95 điểm trong tháng 2, và còn cao hơn trong tháng 3 đối với ngành dịch vụ và bán lẻ.

Chính phủ Pháp đã dự trù một khoản 45 tỷ euro (tương đương 2% GDP) để hỗ trợ những người thất nghiệp tạm thời và các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng do bệnh dịch. Nhà nước cũng đứng ra bảo lãnh 300 tỷ euro để giúp các doanh nghiệp vay ngân hàng và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay do hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ.

INSEE cho rằng hiện còn quá sớm để dự báo mức độ suy thoái kinh tế ở Pháp, tuy nhiên ước tính rằng mỗi tháng áp dụng lệnh hạn chế di chuyển có thể làm hoạt động kinh tế giảm 12% tính theo quý và 3% của cả năm. Tuần trước, Chính phủ Pháp đã ước tính, tăng trưởng kinh tế có nguy cơ xuống mức -1%, thay vì 1,3% như dự tính trước do nền kinh tế hiện đang bị đình trệ. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire còn đưa ra cảnh báo rằng khủng hoảng kinh tế có nguy cơ trầm trọng hơn Đại khủng hoảng năm 1929.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quân đội Pháp Florence Parly thông báo rằng có khoảng 400 binh lính bị nhiễm virus corona nhưng không có trường hợp nào nghiêm trọng. Lo ngại tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp ở Iraq, Bộ Quốc phòng Pháp cũng đã quyết định rút gần 200 binh lính khỏi nước này vào ngày 26-3. Theo đó, binh lính Pháp tạm dừng hoạt động huấn luyện cho quân đội Iraq. Bộ Quốc phòng Pháp cho biết thêm, binh lính Pháp vẫn tiếp tục tham gia các chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại khu vực Trung Đông.