Những kịch bản xấu nhất trong trường hợp Brexit không thỏa thuận

NDO -

NDĐT - Ách tắc giao thông dai dẳng tại các cảng, thiếu nhiên liệu và thuốc, thực phẩm tăng giá... là những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra nếu Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU) vào ngày 31-10 tới mà không có thỏa thuận đi kèm. Chính phủ Anh đã đưa ra những nhận định này trong báo cáo mang tên “Operation Yellowhammer” được công bố ngày 11-9.

Các xe tải tại cảng Dover của Anh, ngày 14-2-2019. (Ảnh: Reuters)
Các xe tải tại cảng Dover của Anh, ngày 14-2-2019. (Ảnh: Reuters)

Văn phòng Nội các Anh đã hoàn thiện bản báo cáo “Operation Yellowhammer” từ ngày 2-8, tức là chín ngày sau khi ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng mới của “quốc đảo sương mù”. Sau đó, một số tài liệu trong “Operation Yellowhammer” đã xuất hiện lần đầu trên tờ Sunday Times vào ngày 18-8. Bản báo cáo này đã phác họa bức tranh ảm đạm về nguy cơ thiếu nhiên liệu tại London và bày tỏ quan ngại về cách tiếp cận thuốc trong tình trạng tắc nghẽn tại các bến cảng ở Pháp do các hoạt động kiểm tra hải quan lần đầu được triển khai sau hơn bốn thập kỷ.

Theo báo cáo nêu trên, hoạt động tại các cảng ở Dover (Anh) và Calais (Pháp) có nguy cơ bị gián đoạn tới sáu tháng và các xe tải có thể bị “cầm chân” tới 2,5 ngày do phải xếp hàng chờ kiểm tra hải quan trước khi được lên tàu vượt eo biển Manche. Đáng chú ý, báo cáo ước tính, khoảng 50 - 85% xe tải của Anh trên tuyến đường vượt eo biển Manche chưa sẵn sàng cho các thủ tục kiểm tra hải quan tại Pháp trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.

Tình trạng này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn thuốc nhập khẩu của Anh. Theo thống kê, ba phần tư lượng thuốc của nước Anh được nhập khẩu qua eo biển Manche. Không những vậy, nguồn cung của một số loại thực phẩm tươi sống sẽ giảm, và có khả năng người dân sẽ đổ xô đi mua sắm dự phòng gây gián đoạn nguồn cung thực phẩm.

Công dân Anh sẽ khó tránh khỏi các hoạt động kiểm tra tăng cường tại các chốt an ninh trên biên giới các nước thành viên EU. Công dân Anh sống tại các nước thành viên EU cũng sẽ mất quyền được sống tại các quốc gia này nếu thiếu giấy cho phép cư trú. Chính phủ Anh đã có “một bức tranh hỗn tạp” về hướng hành động của các nước thành viên EU nếu London “tay trắng” rời khối này, mức độ “hào phóng” của các nước EU cũng như mức độ chi tiết của các quy định trong luật pháp của các nước EU đối với công dân Anh.

Báo cáo của Chính phủ Anh cho rằng, dịch vụ tài chính xuyên biên giới cũng như hoạt động chia sẻ thông tin giữa cơ quan an ninh và cảnh sát cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tài liệu này còn cảnh báo nguy cơ xảy ra va chạm giữa các tàu cá nước ngoài di chuyển vào vùng biển của Anh.

Chính phủ Anh dự báo, các tác động như thực phẩm và nhiên liệu tăng giá sẽ gây ảnh hưởng một cách không tương xứng đối với các nhóm có thu nhập thấp và những người nghèo nhất sẽ chịu tác động theo cách mạnh mẽ nhất. Các doanh nghiệp và nhà kinh tế từ lâu đã cảnh báo về các mối đe dọa đối với nền kinh tế Anh khi nước này đột ngột “chia tay” EU. Nhiều doanh nghiệp của Anh đã dự trữ hàng hóa để chuẩn bị ứng phó với mọi sự gián đoạn trong mối quan hệ thương mại kéo dài hàng thập kỷ với các nước trong khu vực châu Âu.

Bản báo cáo được Chính phủ Anh công bố sau khi Nữ hoàng Elizabeth II ký ban hành luật ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận và buộc Thủ tướng Anh phải đề nghị EU kéo dài hạn chót Brexit, nếu từ nay cho đến ngày 19-10, London và Brussels không đạt được thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson vẫn cam kết sẽ thực hiện kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 và đưa Anh rời EU ngay cả khi không có thỏa thuận Brexit đi cùng.

Hạn chót Brexit đã bị trì hoãn hai lần và một số doanh nghiệp của Anh không còn mặn mà với việc phải một lần nữa chuẩn bị cho ngày rời EU. Chính phủ Anh đã mở chiến dịch quảng cáo trên quy mô lớn để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về các biện pháp họ cần triển khai khi nước này không còn là thành viên của EU.

* Thủ tướng Anh khẳng định sẽ không đề nghị EU gia hạn Brexit

* Quốc hội Anh tạm ngừng hoạt động trong năm tuần