Người di cư trong "cơn sóng đại dịch"

Chiến tranh, nghèo đói, biến đổi khí hậu vốn là những thách thức khiến hàng triệu người phải rời bỏ mảnh đất "chôn rau, cắt rốn", tìm kiếm "chân trời mới". Ðại dịch Covid-19 đang làm cho cuộc sống của những người di cư trên toàn thế giới càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Lều trại của những người tị nạn Hy Lạp.
Lều trại của những người tị nạn Hy Lạp.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính, thế giới có hơn 70 triệu người buộc phải di cư khỏi nơi ở. Vê-nê-xu-ê-la, Li-bi và Xy-ri là ba trong số những "điểm nóng" về người di cư, tị nạn trên thế giới, vì những lý do bất ổn chính trị, chiến tranh, nghèo đói. Ðể tồn tại, người di cư không còn lựa chọn và phải đặt cược cả tính mạng của họ và gia đình vào những nơi họ có thể đến. Thế nhưng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ hội sống và kiếm sống của những người di cư ngày càng bị ảnh hưởng.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch Covid-19 và kinh tế toàn cầu suy thoái sẽ khiến từ 40 đến 60 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực. Những quốc gia chịu tác động lớn nhất là những nước có thu nhập trung bình và thấp, cũng chính là nơi khoảng 85% số người di cư đang trú ẩn. Cuộc sống và thu nhập của hàng triệu người di cư phụ thuộc vào những công việc tạm thời, phi chính thức, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ những lệnh hạn chế đi lại. Thêm vào đó, khi các nền kinh tế suy thoái, người dân bản địa mất việc làm, người di cư dễ trở thành mục tiêu để đổ lỗi, bất chấp những đóng góp cho nền kinh tế bản địa và việc người di cư có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề hay kinh nghiệm, tay nghề cao. Mất đi thu nhập trong khi giá cả thực phẩm, dịch vụ thiết yếu trở nên đắt đỏ đồng nghĩa người di cư có thể phải quay trở về nơi họ trốn chạy.

Ðại dịch Covid-19 bùng phát khiến những người di cư, vốn không còn sinh kế, bị đuổi khỏi nơi tạm trú và thậm chí chịu cả sự kỳ thị từ xã hội. Một số ít người di cư có năng lực để kiếm việc làm hay có đủ tài sản để tự kinh doanh nhỏ lẻ kiếm sống cũng phải chịu áp lực của giá cả leo thang, trong khi phần lớn là những người nghèo khó hơn sẽ phải phụ thuộc vào chính sách tiếp nhận và hỗ trợ từ các chính phủ sở tại. Do đại dịch, nhiều biên giới đã đóng cửa hoàn toàn với người di cư; nhiều khu tị nạn ở Trung và Tây Phi đã bị cấm hoạt động. Ở những khu tị nạn chật chội còn đang mở tại Hy Lạp hay khu vực Trung Ðông, phần lớn người di cư không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, thậm chí là vệ sinh cơ bản, càng khiến cho nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn.

Nghiêm trọng hơn chiến sự hay nghèo đói, một báo cáo mới đây về tác động của biến đổi khí hậu cảnh báo những hệ lụy của việc Trái đất ấm lên trong vòng nửa thế kỷ tới sẽ khiến cho một phần ba dân số thế giới phải sống ở những khu vực quá khắc nghiệt. Khoảng 25 triệu người hiện đang sinh sống ở những khu vực nóng nhất thế giới, phần lớn ở vùng Xa-ha-ra với nhiệt độ trung bình năm hơn 290C sẽ buộc phải di cư. Theo ước tính, đến năm 2070, một phần lớn diện tích các khu vực châu Phi, Trung Ðông, Ðông - Nam Á, Nam Mỹ hay Ô-xtrây-li-a sẽ không còn thuận lợi cho con người sinh sống. Một làn sóng di cư toàn cầu khi đó sẽ kéo theo nhiều rủi ro bất ổn xã hội và kinh tế hơn nữa.

Vòng luẩn quẩn chiến sự, nghèo đói, dịch bệnh và biến đổi khí hậu đang là những nguyên nhân lớn nhất khiến số lượng người di cư toàn cầu ngày một gia tăng. Số phận của những người di cư nghèo khó ngày càng trở nên khó đoán định, nhất là khi một trong những nguyên nhân đó - đại dịch Covid-19 - không chỉ còn là vấn đề của các quốc gia có thu nhập thấp. Cuộc sống của hàng chục triệu người di cư và tị nạn chỉ còn có thể trông chờ vào sự đồng cảm và hỗ trợ nhân đạo từ các quốc gia, tổ chức và các dân tộc.