Mỹ nêu quan điểm gia hạn START-3 và phản ứng của Nga

NDO -

Trả lời phỏng vấn tờ Kommersant (của Nga), Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingsley cho biết khả năng vào ngày 21-9 Washington có thể ký một “bản ghi nhớ ở cấp Tổng thống” với Moscow, để chuẩn bị trước cho việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (New START, mà phía Nga gọi là START-3). 

Hiệp ước START-3 hiện là thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ (Nguồn: RIA-Novosti)
Hiệp ước START-3 hiện là thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ (Nguồn: RIA-Novosti)

Tuy nhiên, điều kiện mà phía Mỹ đưa ra để gia hạn START-3, theo lời ông Billingsley là nếu Nga không chấp nhận đề xuất của Mỹ, thì sau cuộc bầu cử Tổng thống, Mỹ sẽ bổ sung một loạt điều kiện mới khác.

Ông Billingsley nói: “Tôi nghĩ rằng nếu đến thời điểm đó chúng ta không đạt được thỏa thuận, thì Mỹ sẽ đưa ra một loạt điều kiện mới, theo một cách mạnh mẽ hơn. Nhưng cho đến nay, đề xuất (để Mỹ gia hạn START-3) vẫn có hiệu lực như ban đầu”.

Cụ thể, ngoài vấn đề vũ khí mới của Nga, chính quyền Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa Trung Quốc vào đàm phán để thiết lập thỏa thuận hạt nhân ba bên mới giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Ông Billingsley đồng thời cho biết Mỹ không ngại từ chối gia hạn Hiệp ước START-3. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của mình. Nga đã hoàn thành phần lớn việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, trong khi chúng tôi chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi sẽ vui lòng tiếp tục tiến trình này mà không có những hạn chế do Hiệp ước START quy định”. 

Ngay lập tức, ông Anton Morozov, một thành viên Ủy ban các vấn đề quốc tế, thuộc Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga, đã lên tiếng phản ứng trước lời lẽ tối hậu thư của đặc phái viên Billingsley.

Ông Morozov nhấn mạnh rằng ngôn ngữ tối hậu thư là không phù hợp trong các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt trong trường hợp của Nga và Mỹ.

Ông nói, các quốc gia nên xây dựng một cơ sở hiệp ước về giới hạn vũ khí, vì họ chịu trách nhiệm về an ninh thế giới. “Vì vậy, chúng tôi coi cách tiếp cận này là không tưởng, Nga không chấp nhận các tối hậu thư,” ông kết luận.

Nga ủng hộ cách tiếp cận đầy đủ với các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, vốn tính đến những nhân tố chủ chốt ảnh hưởng tới sự ổn định chiến lược. Trong số đó có phòng thủ tên lửa, các tên lửa tầm trung và tầm ngắn được phóng từ mặt đất, các vũ khí tiến công toàn cầu, các hệ thống phóng siêu vượt âm, các vũ khí không gian trong tương lai.

Cùng ngày 20-9, Thượng  nghị sĩ Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế, thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga cũng cho rằng việc Mỹ ra tối hậu thư không cho thấy mong muốn đàm phán của Washington. Theo Thượng nghị sĩ, “tối hậu thư là một cách tiếp cận đáng báo động và nội dung của các đề xuất cần được đánh giá bởi các chuyên gia trực tiếp tham gia các cuộc tham vấn liên quan”.

Hiệp ước START-3 được ký năm 2010 bởi các Tổng thống Nga và Mỹ khi đó là Dmitry Medvedev và Barack Obama. Thỏa thuận có hiệu lực từ năm 2011 và hết hạn vào tháng 2-2021. Hiện đây là thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ. Hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, Nga và Mỹ đã tiến hành vòng tham vấn song phương thứ hai trong năm nay về vấn đề này song chưa đạt được bước tiến đột phá.