Mỹ cảnh báo về căn bệnh hiếm gặp ở trẻ nhỏ liên quan Covid-19

NDO -

NDĐT - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 14-5 đã đưa ra cảnh báo về tình trạng tự miễn dịch hiếm gặp nhưng đôi khi gây tử vong ở trẻ em được cho là có liên quan Covid-19.

(Ảnh minh họa: REUTERS)
(Ảnh minh họa: REUTERS)

Căn bệnh mà CDC gọi là hội chứng viêm đa hệ ở trẻ nhỏ (MIS-C), lần đầu tiên được báo cáo ở Anh vào cuối tháng 4.

CDC khuyến cáo: “Các cơ sở chăm sóc sức khỏe đã hoặc đang chăm sóc các bệnh nhân dưới 21 tuổi gặp phải các dấu hiệu của MIS-C cần báo cáo về các ca nghi mắc bệnh cho cơ quan y tế địa phương, bang hoặc lãnh thổ”.

Các dấu hiệu bệnh bao gồm sốt, nhiều cơ quan nội tạng bị viêm nhiễm gây bệnh nặng phải nhập viện, nhiễm virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 hoặc gần đây đã được xác nhận mắc Covid-19 và không có nguyên nhân chính đáng nào khác.

Giới chức y tế bang New York trước đó gọi tình trạng này là Hội chứng viêm đa hệ thống nhi khoa (PMIS).Bang New York đã ghi nhận hơn một trăm trường hợp mắc hội chứng này, trong đó có ít nhất ba trường hợp tử vong.

Các bác sĩ đã điều trị căn bệnh này cho biết, bệnh nhân đôi khi có các triệu chứng tương tự như một tình trạng hiếm gặp gọi là bệnh Kawasaki, khiến các mạch máu trên khắp cơ thể bị sưng lên, khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn.

CDC khuyến cáo thêm, các bác sĩ nên “cân nhắc tới MIS-C trong bất kỳ trường hợp tử vong ở trẻ em có bằng chứng nhiễm SARS-CoV-2”. Tuy nhiên, CDC nói thêm rằng vẫn chưa rõ tình trạng này có hạn chế ở trẻ em hay không.

Sunil Sood, một bác sĩ nhi khoa tại Trung tâm y tế Nhi Cohen ở New York, nói với AFP rằng một số trẻ em có các dạng bệnh rất nhẹ, nhưng khoảng một nửa số bệnh nhân mà bác sĩ Sood và đồng nghiệp đã gặp phải điều trị tích cực vì viêm tim.

Việc điều trị bao gồm tiêm kháng thể cũng như sử dụng steroid và aspirin trong trường hợp bệnh nhân bị giảm huyết áp đột ngột, hay còn gọi là "sốc".

Bác sĩ Sood cho biết thêm, các trường hợp chủ yếu xuất hiện từ bốn đến sáu tuần sau khi một đứa trẻ bị nhiễm SARS-CoV-2 và đã phát triển kháng thể.

Điều lạ là các trường hợp bệnh này được báo cáo đầu tiên ở châu Âu và sau đó ở Bắc Mỹ, không phải ở các nước châu Á như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, nơi Covid-19 bùng phát đầu tiên.

Bác sĩ Sood cho hay, đã có giả thuyết rằng một số quần thể cư dân nhất định có thể dễ bị di truyền hơn, dù lý thuyết này hiện không được xác nhận.

Trong một nghiên cứu gần đây của tạp chí y khoa Lancet, sáu trong số tám bệnh nhân là người Mỹ Latinh gốc Phi (Afro-Caribbean).