Mỹ cân nhắc trở lại thỏa thuận hạt nhân I-ran

Trả lời phỏng vấn của Thời báo Niu Oóc ngày 2-12, ứng cử viên đắc cử Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn cho biết, Mỹ sẽ quay lại tham gia thỏa thuận hạt nhân I-ran, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời phối hợp các đồng minh tiến hành các cuộc đàm phán với Tê-hê-ran về chương trình hạt nhân và quân sự của I-ran. 

Theo ông Bai-đơn, chính quyền mới của Mỹ sẽ không áp dụng biện pháp gây sức ép tối đa với Tê-hê-ran, mà theo đuổi đối thoại nhằm bảo đảm sự ổn định ở khu vực Trung Đông. 

* Cùng ngày, Hội đồng Giám hộ I-ran thông qua dự luật chấm dứt hoạt động thanh sát của Liên hợp quốc, đồng thời tăng cường làm giàu u-ra-ni. Dự luật được chuyển tới Tổng thống H.Ru-ha-ni để ký ban hành. Theo dự luật, I-ran sẽ ngừng cho phép thanh sát quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của I-ran và khôi phục hoạt động làm giàu u-ra-ni lên mức 20%, nếu các nước châu Âu tham gia JCPOA không thể thuyết phục Mỹ dỡ bỏ trừng phạt chống I-ran.

* Theo Đại sứ Nga tại Mỹ A.An-tô-nốp, Nga hoan nghênh khả năng Mỹ quay trở lại tham gia JCPOA. Quan chức ngoại giao Nga cũng cho biết, Mát-xcơ-va có thể mở rộng hợp tác với chính quyền sắp tới của Mỹ trong ít nhất năm lĩnh vực, gồm ổn định chiến lược, không phổ biến vũ khí hạt nhân, công nghệ không gian vũ trụ, chống khủng bố và phòng, chống Covid-19.

* Nhằm cải thiện quan hệ đối tác với Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) công bố kế hoạch toàn diện, mang tên “Lịch trình EU - Mỹ mới để thay đổi toàn cầu”. Đây là đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) cùng Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, sẽ được các bộ trưởng ngoại giao EU thảo luận trước khi trình Hội đồng châu Âu phê chuẩn. Kế hoạch đề xuất hợp tác hai bên trong nhiều lĩnh vực, từ chống Covid-19, chống biến đổi khí hậu, giải quyết tranh chấp thương mại, đến tăng cường quan hệ đối tác địa chính trị...