LHQ ủng hộ đề xuất của Nga soạn thảo công ước về tội phạm mạng

NDO -

NDĐT - Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 27-12, đã thông qua Nghị quyết do Nga đề xuất nhằm xây dựng một công ước quốc tế chống tội phạm mạng. 79 quốc gia đã biểu quyết ủng hộ tài liệu này, 60 quốc gia bỏ phiếu chống và 33 quốc gia bỏ phiếu trắng.

 

Toà nhà Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Toà nhà Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Đại hội đồng đã quyết định “thành lập một ủy ban chuyên trách liên chính phủ, hoạt động theo cơ chế mở, có đại diện của tất cả các khu vực, nhằm nghiên cứu soạn thảo văn kiện công ước quốc tế một cách toàn diện nhất, bao gồm các biện pháp cho phép chống mọi hành vi sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông và tin học vào các mục đích tội phạm”. Cụ thể, công ước giúp kết nối nỗ lực ở cấp độ quốc gia và quốc tế trong cuộc đấu tranh chống tội phạm mạng. Công ước sẽ là tổng hòa kết quả làm việc của các nhóm chuyên gia liên chính phủ trong các nghiên cứu toàn diện về tội phạm mạng. 

Dự thảo nghị quyết này đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc đưa ra xem xét hồi giữa tháng 12 và trước đó, nó đã nhận được sự đồng thuận của Ủy ban thứ ba về Văn hóa - Xã hội - Nhân đạo của Đại hội đồng. Ý nghĩa cơ bản của nghị quyết này nhằm “cùng nhau chống lại những tội ác nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD cho toàn bộ nền kinh tế thế giới cũng như đối với mỗi cá nhân”, Đặc phái viên của Tổng thống LB Nga về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo mật thông tin, ông Andrei Krutskikh khẳng định.

Trước đó, Mỹ đã kêu gọi thế giới nên mở rộng Công ước Budapest 2001, vốn là hiệp định về tội phạm mạng hiện hành, trong đó nêu rõ hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền, gian lận và ấu dâm. Nga không phản đối công ước này, song cho rằng “cần hiện đại hóa nó càng nhiều càng tốt”. Theo quan điểm của Nga, Công ước Budapest cho phép các nhà điều tra tiếp cận các dữ liệu máy tính xuyên biên giới, điều này vi phạm chủ quyền quốc gia. Ngoài ra, Công ước Budapest chỉ nêu chín trong số hơn 30 loại tội phạm mạng hiện đã từng xảy ra. Đặc biệt, Công ước Budapest chưa từng đề cập chủ đề khủng bố mạng trong khi chủ đề này cần phải được lưu ý hết sức.

Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết, tội phạm mạng có thể gây thiệt hại tới 2.000 tỷ USD đối nền kinh tế toàn cầu chỉ riêng trong năm 2019.