Khởi nghiệp, điểm sáng thu hút đầu tư

Bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch, hệ sinh thái công nghệ khu vực Trung Đông - châu Phi vẫn phát triển tốc độ cao, với nhiều giao dịch đã hoàn thành và nhận được sự thúc đẩy từ quá trình số hóa nhanh chóng của các lĩnh vực kinh tế nền tảng. Khởi nghiệp là lĩnh vực “hot” và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ở khu vực.

Hội nghị về khởi nghiệp ở châu Phi diễn ra tại Ma-rốc. Ảnh: LEMATIN.MA
Hội nghị về khởi nghiệp ở châu Phi diễn ra tại Ma-rốc. Ảnh: LEMATIN.MA

Báo cáo hằng năm 2021 mới công bố của Partech châu Phi, quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất dành cho các công ty khởi nghiệp công nghệ trực thuộc Tập đoàn Partech (trụ sở tại Mỹ) cho biết, năm 2020, các công ty khởi nghiệp ở châu lục đã thực hiện nhiều giao dịch hơn bất kỳ năm nào trước đó, với 359 giao dịch do 347 công ty khởi nghiệp tiến hành, so với 250 giao dịch trong năm 2019. Mức tăng trưởng 44% là bằng chứng cho thấy sự quan tâm lâu dài của các nhà đầu tư tư nhân đối với các công ty khởi nghiệp, bất chấp sự bùng nổ của đại dịch. Dữ liệu phân tích từng tháng cho thấy, đại dịch không có tác động rõ ràng đến hoạt động chung của hệ sinh thái bởi trên thực tế, mỗi tháng trong năm 2020 có nhiều giao dịch được ký kết hơn so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động, song tổng số tiền mà các công ty khởi nghiệp châu Phi huy động được lần đầu giảm sau gần một thập kỷ tăng trưởng. Vốn chủ sở hữu mà các công ty khởi nghiệp ở châu lục huy động được vào năm 2020 đạt 1,429 tỷ USD, giảm 29% so năm trước đó. Trong khi đó, báo cáo của nền tảng MAGNiTT chuyên theo dõi các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Trung Đông - Bắc Phi lại cho thấy, tuy số thương vụ của các công ty khởi nghiệp ở khu vực này giảm 13% năm 2020, song giá trị đầu tư tăng 13%, lên mức 1,03 tỷ USD.

Số lượng nhà đầu tư khởi nghiệp quan tâm đến châu Phi tăng 24% trong năm 2020. Năm công ty đầu tư mạo hiểm nổi bật về sự tham gia và năng động gồm Algebra Ventures (Ai Cập), Ngân hàng Phát triển Hà Lan, Kepple Africa Ventures (Nhật Bản) và hai công ty Mỹ là Y Combinator và 500 Startups, tất cả đều đã tham gia hơn 10 đợt tài trợ trong năm ngoái. Ni-giê-ri-a tiếp tục là quốc gia hấp dẫn nhất với 307 triệu USD được rót vào các công ty khởi nghiệp, tiếp đến là Kê-ni-a thu hút 304 triệu USD, Ai Cập 269 triệu USD, Nam Phi với 259 triệu USD và Ga-na là 111 triệu USD. Trên bình diện khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), A-rập Xê-út và Ai Cập là ba quốc gia mà các công ty khởi nghiệp hoạt động tích cực nhất cũng như thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất. 

Nổi lên trong nửa cuối năm 2020 là các công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và tài chính công nghệ cao, vốn được hưởng lợi từ xu hướng thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh. Đặc biệt, vốn đầu tư cho khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Trung Đông - Bắc Phi tăng tới 280%, lên mức 72 triệu USD. Lĩnh vực y tế điện tử của châu Phi đạt mức tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch hoành hành. Trong ba năm qua, số các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đã tăng 56%, với 180 công ty hiện đang hoạt động. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư vào lĩnh vực này đã tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2020 khi các công ty khởi nghiệp huy động được hơn 90 triệu USD, tương đương một nửa lượng vốn đầu tư trong 5 năm qua. Các công nghệ y tế mà các công ty khởi nghiệp tập trung phát triển gồm quyền truy cập vào các nền tảng y tế, hỗ trợ số, chia sẻ các thông tin quan trọng…

Trong bối cảnh nhiều quốc gia ở khu vực Trung Đông - châu Phi phải oằn mình chống dịch khi điều kiện cơ sở vật chất và hệ thống y tế yếu kém, y tế công nghệ cao cũng như các lĩnh vực về công nghệ thông tin khác đang là mảnh đất màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo. Khởi nghiệp được coi là một “điểm sáng” thu hút đầu tư ở khu vực này.