Kêu gọi thế giới đoàn kết, thích nghi tình hình mới

Theo Roi-tơ và TTXVN, tại cuộc họp trực tuyến của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 28-5, khoảng 50 nhà lãnh đạo các nước kêu gọi thế giới hợp tác và thích nghi tình hình mới sau dịch Covid-19.

Học sinh Hàn Quốc được kiểm tra thân nhiệt khi đến trường.
Học sinh Hàn Quốc được kiểm tra thân nhiệt khi đến trường.

Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của các mục tiêu của LHQ về phát triển bền vững đến năm 2030; kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương, nhất là ở châu Phi.

* Ngày 29-5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Ðại sứ quán Việt Nam tại Anh phối hợp Tổ chức Asia House (Anh) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Việt Nam: cơ hội đầu tư, kinh doanh sau đại dịch Covid-19". Trong cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đây là cơ hội quý để kết nối doanh nghiệp Anh với các cơ quan Việt Nam, chia sẻ thông tin về chính sách và nâng cao cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên, trong bối cảnh hai nước triển khai các biện pháp mạnh mẽ nhằm sớm kiểm soát dịch Covid-19 và hồi phục kinh tế.

* Các sáng kiến hỗ trợ chống dịch tiếp tục được đề xuất và triển khai. Tại cuộc họp mới đây của LHQ về hậu quả kinh tế từ đại dịch, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét kêu gọi giảm nợ cho tất cả các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình. Ông Gu-tê-rét đề xuất Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đẩy mạnh thanh khoản toàn cầu.

* Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) kêu gọi quyên góp 3,2 tỷ USD hỗ trợ chống Covid-19. Số tiền này nhằm tăng khả năng ứng phó khẩn cấp, trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như giải quyết các hậu quả kinh tế - xã hội sau đại dịch.

* Liên hiệp châu Âu (EU) phát động chiến dịch gây quỹ toàn cầu mới, nhằm tài trợ phát triển, phân phối toàn cầu vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19. Sáng kiến mới mang tên "Mục tiêu toàn cầu: Ðoàn kết vì tương lai của chúng ta" đặt mục tiêu quyên góp hàng chục tỷ USD từ các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới.

* Trong khi đó, nhiều nước châu Âu tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế. Pháp thông báo bước vào giai đoạn hai nới lỏng giãn cách xã hội, từ ngày 2-6 tới. Ru-ma-ni từ đầu tháng 6 cũng bước vào giai đoạn mới nới lỏng hạn chế, theo đó các quán cà-phê, nhà hàng, bãi biển mở lại với một số điều kiện.

* Thủ tướng Pháp Ê.Phi-líp kêu gọi mở lại biên giới trong châu Âu từ ngày 15-6 tới và không áp dụng biện pháp cách ly. Ðối với biên giới ngoài châu Âu, Thủ tướng Pháp khẳng định các nước trong khu vực cần đưa ra quyết định chung và thực hiện một cách đồng bộ.

* Với 8.572 ca dương tính Covid-19 được ghi nhận, ngày 29-5 là ngày thứ sáu liên tiếp Nga có số bệnh nhân mắc mới dưới mức 9.000 trường hợp. Tuy nhiên, Nga có thêm 232 người chết do Covid-19, tỷ lệ tử vong theo ngày cao nhất từ trước tới nay.

* Giới chuyên gia kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi chính phủ có biện pháp giải quyết các thách thức khẩn cấp do dịch Covid-19, như thâm hụt ngân sách cao và bất bình đẳng trong phân phối thu nhập... Dự báo, GDP của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 5%.

* Tại châu Á, Hàn Quốc tạm ngừng hoạt động tại các địa điểm tập trung đông người ở thủ đô Xơ-un và vùng phụ cận tới ngày 14-6, trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng ở khu vực này.

* Chính phủ Thái-lan lên kế hoạch từ ngày 1-7 tới dỡ bỏ những hạn chế đi lại liên tỉnh, chấm dứt sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm trên toàn quốc. Tổng thống Phi-li-pin R.Ðu-téc-tê tuyên bố chuẩn bị dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa then chốt tại thủ đô Ma-ni-la. Nhật Bản thông báo nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội tại thủ đô Tô-ki-ô từ ngày 1-6.

* Nhiều bác sĩ tại Ấn Ðộ chuyển sang tư vấn trực tuyến cho bệnh nhân, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế. Việc gọi điện tư vấn cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

* Ô-xtrây-li-a xem xét khả năng gia hạn chương trình trợ cấp lương. Theo chương trình này, người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 có thể nhận được khoản tiền 995 USD trong
hai tuần.

* Bộ Y tế I-xra-en họp khẩn, trong bối cảnh số ca bệnh mới tăng cao sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Chính phủ Cô-oét thông báo kế hoạch chuyển sang giới nghiêm một phần. Trong khi đó, Gioóc-đa-ni chuẩn bị mở lại các đền thờ.

* Diễn biến dịch tại châu Phi tiếp tục phức tạp. An-giê-ri gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 13-6 tới. Thủ đô An-giê tiếp tục áp đặt giới nghiêm một phần.

* Ai Cập ghi nhận thêm 1.127 ca mắc Covid-19, số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Tổng thống A.Xi-xi kêu gọi người dân đoàn kết đối phó đại dịch.

* Mô-dăm-bích kéo dài áp dụng tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày, kể từ ngày 1-6 tới. Trong khi đó, Nam Phi có kế hoạch cho phép hầu hết các lĩnh vực kinh tế nối lại hoạt động hoàn toàn từ tháng 6; các lĩnh vực kinh doanh có nguy cơ cao như khách sạn, nhà hàng vẫn phải đóng cửa.

* Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB) cảnh báo, đại dịch Covid-19 có thể gây ra "cú sốc lịch sử" với kinh tế nước này. Theo báo cáo Ðánh giá ổn định tài chính của SARB, GDP của Nam Phi năm 2020 có thể giảm 7%.

* Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Mê-hi-cô dự báo, số ca tử vong do Covid-19 ở nước này có thể lên 30.000 người. Cô-lôm-bi-a ghi nhận 1.268 ca mắc mới, mức cao nhất trong một ngày ở nước này.

* Bộ Kinh tế Bra-xin cho biết, hơn 1,1 triệu lao động đã mất việc làm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại đây hồi đầu tháng 3. Tháng 4 là tháng tồi tệ đối với thị trường lao động Bra-xin, khi mất hơn 860.500 việc làm.