Kêu gọi chia sẻ vắc-xin phòng Covid-19

Theo Roi-tơ và TTXVN, nhiều nước kêu gọi bảo đảm quyền tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 một cách công bằng. Trong bài phát biểu trực tuyến tại khóa họp Ðại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), Thủ tướng Ô-xtrây-li-a X.Mo-ri-xơn tuyên bố, các nước có "trách nhiệm đạo đức" trong vấn đề cung cấp vắc-xin phòng Covid-19. Ô-xtrây-li-a cam kết chia sẻ rộng rãi các loại vắc-xin nước này đang thử nghiệm.

* Thủ tướng Nhật Bản Xư-ga Y-ô-si-hi-đê hối thúc các nước đoàn kết trong cuộc chiến chống Covid-19, bảo đảm quyền tiếp cận công bằng các loại vắc-xin và phương pháp điều trị Covid-19. Nhật Bản công bố các khoản cho vay khẩn cấp, với tổng trị giá 4,5 tỷ USD, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển chống đại dịch.

* Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn tuyên bố tăng 30% mức đóng góp của Luân Ðôn cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nguồn bổ sung nhằm hỗ trợ kế hoạch cải tổ của WHO; đặt mua vắc-xin ngừa Covid-19 thông qua vắc-xin toàn cầu COVAX do WHO dẫn dắt; và nỗ lực tài trợ bảo đảm các nước đang phát triển tiếp cận vắc-xin.

* Các nước Mỹ la-tinh cũng kêu gọi LHQ thúc đẩy việc mở rộng quyền tiếp cận tự do với vắc-xin ngừa Covid-19. Theo Tổng thống Ác-hen-ti-na, vắc-xin phòng Covid-19 cần được tuyên bố là "hàng hóa công cộng toàn cầu". Tổng thống Chi-lê nhấn mạnh, cần chia sẻ kiến thức và giải pháp chống dịch, hợp tác phát triển vắc-xin và hỗ trợ các nước nghèo và dễ bị tổn thương nhất thế giới...

* Mê-hi-cô và Cô-xta Ri-ca tuyên bố tham gia sáng kiến COVAX và đóng tài chính để bảo đảm quyền tiếp cận các loại vắc-xin trong khuôn khổ COVAX. Ca-na-đa cũng đóng góp cho COVAX để mua vắc-xin cho người dân và cung cấp vắc-xin cho các nước có thu nhập thấp.

* Quỹ Ðầu tư trực tiếp (RFDI) và Công ty Dược phẩm Himrar của Nga đồng ý cung cấp thuốc Avifavir điều trị Covid-19 cho thêm 17 quốc gia tại các châu lục. Tháng 5-2020, Avifavir được Bộ Y tế Nga cấp phép trở thành loại thuốc đầu tiên trên thế giới dựa trên chất favipiravir để điều trị người bệnh Covid-19.

* Trong khi đó, WHO cảnh báo số người chết do Covid-19 trên toàn cầu có thể tăng lên hai triệu người, nếu các biện pháp phòng ngừa không được duy trì. Cảnh báo được đưa ra khi số ca nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh, nhất là ở châu Âu.

* Số người bệnh Covid-19 tại châu Á vượt ngưỡng 10 triệu người, trong đó hơn 186 nghìn người chết. Ấn Ðộ tiếp tục đứng đầu khu vực, với hơn 5,9 triệu người nhiễm, trong đó hơn 93 nghìn người chết.

* Ngày 26-9, Hàn Quốc thông báo 49 ca lây nhiễm trong nước, mức thấp nhất trong 44 ngày qua. Ðây là dấu hiệu cho thấy tác dụng của việc siết chặt các quy định giãn cách xã hội.

* Cùng ngày, Trung Quốc đại lục không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong nước, nhưng có 15 ca nhập cảnh. Giới chức Khu hành chính đặc biệt Hồng Công (Trung Quốc) cho biết, về cơ bản, Hồng Công đã chặn được làn sóng bùng phát dịch thứ ba.

* Ðan Mạch kéo dài các quy định hạn chế đến ngày 18-10 tới. Chính phủ Séc tuyên bố siết chặt các biện pháp hạn chế các hoạt động công cộng và tụ tập đông người từ tuần tới. Tây Ban Nha mở rộng phong tỏa ở thủ đô Ma-đrít và khu vực lân cận. Ðức bổ sung danh sách cảnh báo về các khu vực có nguy cơ cao về Covid-19.

* WHO nhận định, châu Phi rời đỉnh dịch, khi tốc độ lây Covid-19 giảm mạnh trong hai tháng qua. Phần lớn các nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, như Nam Phi, An-giê-ri, Ni-giê-ri-a…, đều xác nhận số ca nhiễm mới giảm mạnh, tại Nam Phi giảm tới 80% số ca bệnh.