Kết quả sơ bộ cuộc bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp Nga

NDO -

Rạng sáng 2-7, truyền thông Nga dẫn số liệu của Ủy ban bầu cử Trung ương (SIK) cho biết, công tác kiểm phiếu trên toàn Liên bang đã thực hiện được với khoảng 85% số phiếu bầu của cử tri, trong đó 77,84% số phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp và 21,35% không tán thành sửa đổi văn bản này.

Công tác kiểm phiếu được tiến hành rất khẩn trương. (Nguồn RIA-Novosti)
Công tác kiểm phiếu được tiến hành rất khẩn trương. (Nguồn RIA-Novosti)

Cuộc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp Nga đã kết thúc trên toàn bộ lãnh thổ nước này lúc 21 giờ đêm 1-7 (giờ Moscow), tức 1 giờ sáng 2-7, giờ Việt Nam. Các điểm bỏ phiếu tại khu vực Kaliningrad, phần lãnh thổ Nga nằm trong lòng châu Âu là đóng cửa sau cùng. Việc bỏ phiếu theo định dạng trực tuyến kết thúc sớm hơn, vào cuối ngày 30-6.

Theo quy định từ trước đó, ngày bỏ phiếu chính thức về sửa đổi Hiến pháp Nga là vào ngày 1-7, tuy nhiên để bảo đảm an toàn cho cử tri trong thời gian đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại Nga, người dân nước này đã có thể bỏ phiếu từ ngày 25 đến 30-6. Bên cạnh đó, việc kiểm phiếu cũng đồng thời được thực hiện sau mỗi ngày bỏ phiếu trong suốt cả tuần vừa qua.

Theo luật pháp Nga, sửa đổi Hiến pháp Nga sẽ được thông qua và có hiệu lực ngay trong ngày công bố kết quả bỏ phiếu, nếu dự luật này nhận được sự ủng hộ của hơn 50% số phiếu bầu trên tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu. Cuộc bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp không yêu cầu ngưỡng tối thiểu về số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu để cuộc trưng cầu được coi là hợp hiến.

Các địa phương có số cử tri đi bỏ phiếu đông nhất gồm Cộng hòa Chechnya, Cộng hòa Tuva, tỉnh Kemerovo và Cộng hòa Bashkortostan, với tỷ lệ trung bình là hơn 80% số cử tri đã đi bỏ phiếu ở mỗi địa phương. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất được ghi nhận tại tỉnh Murmansk, chỉ với 36,18% số cử tri đi bầu và Cộng hòa Karelia, với 37,08% sổ cử tri tham gia. Tính đến 14 giờ ngày 1-7, tại Thủ đô Moscow, tỷ lệ cử tri đi bầu là 45,81% và tại Saint Petersburg là 62,17%.

Dự luật sửa đổi Hiến pháp Nga đề xuất sửa đổi 41 điều và bổ sung thêm 5 điều khoản mới. Sửa đổi Hiến pháp có liên quan đến hơn 60% các điều khoản trong Hiến pháp Nga năm 1993.

Cụ thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp với gói các sửa đổi nhằm bảo đảm an sinh xã hội, như bảo đảm tiền lương tối thiểu không thấp hơn mức sinh hoạt tối thiểu, xác định mức lương hưu và phúc lợi xã hội, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con nhỏ.

Tổng thống Putin cũng đã ký ban hành Luật Sửa đổi hiến pháp. Luật này đã được hai viện Quốc hội Nga gồm Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cũng như hội đồng lập pháp của 85 chủ thể LB Nga thông qua. Luật Sửa đổi hiến pháp cũng đã được Tòa án Hiến pháp Nga thông qua.

Nếu được người dân ủng hộ và được thông qua, sửa đổi hiến pháp sẽ góp phần củng cố an sinh xã hội, trao thêm quyền lực cho quốc hội, thiết lập vị thế của tiếng Nga, bảo đảm chủ quyền của đất nước. Các sửa đổi cũng cho phép Tổng thống đương nhiệm tái tranh cử vào năm 2024 và có thể tại nhiệm đến năm 2036 nếu ông tái đắc cử.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, ngày 30-6, với người dân, Tổng thống Putin đã kêu gọi người dân Nga đoàn kết để giải quyết các vấn đề của đất nước. Ông nói: “Đoàn kết sẽ giúp nước Nga giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất trong những thời khắc phức tạp nhất” và “chỉ bằng sự đoàn kết, tự lực tự cường, người dân Nga mới có thể bảo vệ chủ quyền của đất nước”.

Theo Tổng thống Putin, các sửa đổi Hiến pháp Nga lần này sẽ cho phép ghi vào Hiến pháp các giá trị cơ bản của nhân dân Nga. Ông tuyên bố: “Chúng ta bỏ phiếu không chỉ vì những điều khoản sửa đổi hiến pháp. Chúng ta bỏ phiếu vì một đất nước, mà trong đó chúng ta muốn sống, với nền giáo dục và y tế hiện đại, với hệ thống an sinh xã hội vững chắc, với chính quyền hiệu quả và có trách nhiệm với xã hội. Chúng ta bỏ phiếu vì một đất nước chúng ta muốn cống hiến và muốn truyền lại cho con cháu sau này”.