Kế hoạch quan trọng của A-rập Xê-út

Bất chấp tình hình kinh tế suy giảm, giá dầu lao dốc, A-rập Xê-út nỗ lực thúc đẩy kế hoạch tăng gấp hai lần quy mô và dân số của Ri-i-át trong thập kỷ tới, với tham vọng đưa thành phố thủ đô trở thành đại đô thị. Đây là một phần quan trọng của kế hoạch Tầm nhìn 2030 do Thái tử Bin Xan-man đề ra nhằm đưa nền kinh tế của vương quốc này thoát khỏi phụ thuộc vào dầu mỏ, cũng như xây dựng nhiều ngành công nghiệp mới, dự án lớn, tạo ra hàng triệu việc làm. 

Một góc thủ đô Ri-i-át của A-rập Xê-út. Ảnh ROI-TƠ
Một góc thủ đô Ri-i-át của A-rập Xê-út. Ảnh ROI-TƠ

Chủ tịch Ủy ban Hoàng gia A-rập Xê-út Ph.Ra-sít cho biết, chính phủ nước này đã cam kết chi 266,6 tỷ USD cho các dự án mới và đang triển khai, coi đây là một phần trong khoản đầu tư khoảng 800 tỷ USD trong vòng 10 năm tới để cùng với khu vực tư nhân đưa thủ đô Ri-i-át lớn gấp hai lần cả về quy mô và dân số. Ý tưởng này nhằm biến Ri-i-át trở thành thành phố 15 triệu dân vào năm 2030 và sự tăng trưởng này sẽ tạo ra nhiều việc làm. Vốn được coi là tâm điểm của sự phát triển kinh tế đất nước và khu vực, các kế hoạch biến thành phố bảy triệu dân hiện nay thành một đại đô thị đã được Ri-i-át công bố trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, kế hoạch đầy tham vọng này gặp nhiều khó khăn do đại dịch và khủng hoảng giá dầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Giá dầu thấp và đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của A-rập Xê-út đúng vào thời điểm chi tiêu nhà nước vẫn là động cơ kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở A-rập Xê-út hiện khoảng 11,8%. Dự báo, A-rập Xê-út có thể sẽ phải vay gần 60 tỷ USD để bù đắp thâm hụt ngân sách khổng lồ. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế nước này dự báo sẽ suy giảm 2,3% trong năm nay. Ðể đối phó tình trạng kinh tế suy thoái, Chính phủ A-rập Xê-út đã đưa ra hàng loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng", sau khi ghi nhận mức thâm hụt ngân sách chín tỷ USD trong quý I năm nay. Bộ Tài chính A-rập Xê-út công bố một số biện pháp kinh tế nhằm tăng thu, giảm chi. Theo đó, nước này tăng gấp ba lần thuế giá trị gia tăng (VAT), từ 5% lên 15% và ngừng phân phát các khoản trợ cấp cho người dân. Ðây được cho là biện pháp cần thiết để tăng ngân sách quốc gia trong bối cảnh nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ giảm mạnh. Ước tính, A-rập Xê-út có thể mất tới 50% nguồn thu từ dầu mỏ, vốn chiếm 70% nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, A-rập Xê-út đã hủy và tạm ngừng cấp các khoản chi tiêu của một số cơ quan chính phủ, đồng thời cắt giảm chi cho một số dự án lớn vốn nằm trong chương trình cải cách nhằm đa dạng hóa nền kinh tế.

Nhằm đưa nền kinh tế giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, Bộ Du lịch A-rập Xê-út đã công bố kế hoạch khởi động Quỹ phát triển du lịch với số vốn đầu tư ban đầu bốn tỷ USD. Du lịch cũng là một trong những trụ cột chính của chương trình cải cách kinh tế. Quỹ này sẽ đưa ra các chương trình vốn cổ phần và đầu tư cho vay để phát triển lĩnh vực du lịch có hợp tác với các ngân hàng tư nhân và đầu tư. Việc thành lập quỹ tại thời điểm lĩnh vực du lịch đang đối mặt những thách thức chưa từng có nhằm củng cố lòng tin của nhà đầu tư và lĩnh vực tư nhân trong tầm nhìn dài hạn đối với ngành du lịch. Năm 2019, A-rập Xê-út đã mở cửa cho du khách quốc tế, đưa ra cơ chế cấp thị thực mới, cho phép công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này, với hy vọng thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói" đóng góp hơn 10% cho GDP vào năm 2030, so với 3% hiện nay.

Cùng với nhiều quốc gia ở vùng Vịnh, A-rập Xê-út đang nỗ lực ngăn chặn đà suy thoái kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và giá dầu xuống thấp kỷ lục. Với các chính sách thắt chặt chi tiêu, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phi dầu mỏ, A-rập Xê-út đang thực hiện các bước đi trong kế hoạch Tầm nhìn 2030, dù chặng đường phía trước còn gian nan.