IMF và WB hỗ trợ các nước chống dịch

Theo Roi-tơ và TTXVN, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 29-5 thông qua việc kích hoạt cơ chế tín dụng linh hoạt (FCL), giúp Chi-lê đối phó tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. IMF hy vọng, cùng nguồn vốn của Chi-lê, tuyến tín dụng này hoạt động có thể giúp giảm rủi ro tài chính. Trước đó, IMF cũng thông qua cơ chế "tín dụng dự phòng", áp dụng với Pê-ru.

Nhà hàng ở Bồ Ðào Nha mở cửa đón khách trở lại. Ảnh ROI-TƠ
Nhà hàng ở Bồ Ðào Nha mở cửa đón khách trở lại. Ảnh ROI-TƠ

* Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt gói 250 triệu USD hỗ trợ chương trình ứng phó khẩn cấp của In-đô-nê-xi-a. Chương trình nhằm củng cố hệ thống y tế công cộng, giảm tác động của dịch bệnh với kinh tế - xã hội, giảm nghèo và bảo vệ nguồn nhân lực của quốc gia Ðông - Nam Á.

* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố sáng kiến "Tiếp cận công nghệ chung về Covid-19", nhằm chia sẻ vắc-xin, thuốc điều trị và công cụ chẩn đoán giữa các nước. Sáng kiến được kỳ vọng giúp các nước nghèo, hoặc có nguồn lực hạn chế, có thể tiếp cận cách thức phòng, chống và điều trị Covid-19 hiệu quả.

* Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất thành lập một quỹ đầu tư trị giá 15 tỷ ơ-rô hỗ trợ các công ty chiến lược trong các lĩnh vực, như chăm sóc y tế, kỹ thuật số, công nghệ xanh... Liên hiệp châu Âu (EU) cấp 157 triệu ơ-rô hỗ trợ Ma-rốc chống dịch, thông qua các lĩnh vực y tế, giáo dục, tăng trưởng xanh...

* Ngày 29-5, tại Nhà trắng, Tổng thống Ð.Trăm tuyên bố Mỹ chấm dứt quan hệ với WHO, với lý do tổ chức này phản ứng không thích hợp đối với dịch Covid-19. Mỹ sẽ chuyển hướng các khoản tiền đã cam kết hỗ trợ WHO sang các nhu cầu y tế công cộng khác trên toàn cầu. Ngay lập tức, nhiều nước đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Ð.Trăm. Giới chức Ðức mô tả đây là quyết định "đáng thất vọng" và là "bước thụt lùi" với ngành y tế toàn cầu. Nhiều chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo, việc cắt đứt quan hệ với WHO có thể khiến các nỗ lực của Mỹ giải quyết cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng hiện nay trở nên khó khăn hơn.

* Theo Worldometers.info, đến ngày 30-5, số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã vượt sáu triệu người, trong đó có hơn 367 nghìn người chết, hơn 2,6 triệu bệnh nhân đã được chữa khỏi.

* Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Mỹ. Mê-hi-cô có thêm 3.227 ca mắc Covid-19. Trong bối cảnh đất nước chuyển sang "trạng thái bình thường mới" từ ngày 1-6, giới chức y tế Mê-hi-cô khuyến cáo người dân duy trì các biện pháp phòng dịch.

* Theo Cơ quan Thống kê Ca-na-đa, do dịch bệnh, GDP thực tế quý I-2020 của Ca-na-đa giảm 8,2% so cùng kỳ năm 2019. Theo Viện Thống kê quốc gia Bra-xin, GDP của nước này trong quý I vừa qua cũng giảm 0,3% so cùng kỳ năm 2019.

* Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, số lượng người "mất an ninh lương thực nghiêm trọng" tại khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê có thể tăng gấp bốn lần trong năm nay, lên hơn 10 triệu người. WFP kêu gọi tăng hỗ trợ lương thực cho khu vực này.

* Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo, trong ngày 29-5, Trung Quốc đại lục không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng và cũng không có thêm ca tử vong, song có bốn ca nhiễm mới nhập cảnh. Hàn Quốc có thêm 39 ca mắc Covid-19, thêm 35 bệnh nhân bình phục.

* Giới chức Ấn Ðộ điều chỉnh những quy định về giãn cách xã hội giai đoạn năm áp dụng cho hai tuần tới, sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc giai đoạn bốn dự kiến kết thúc hôm nay 31-5. Trong giai đoạn mới, Ấn Ðộ tập trung công tác phòng, chống dịch tại các thành phố lớn, như Mum-bai, Côn-ca-ta…

* Thủ tướng Ô-xtrây-li-a X.Mo-ri-xơn tuyên bố nỗ lực khôi phục kinh tế và ngăn chặn dịch bệnh ở nước này đạt tiến triển tích cực. Chính phủ dành khoản 85 tỷ USD cho các chương trình hỗ trợ, nhất là tăng cường năng lực các bệnh viện.

* Ai Cập có thêm 1.289 trường hợp mắc bệnh, con số cao nhất được ghi nhận trong một ngày. Song, chính phủ nước này đang cân nhắc từng bước mở cửa trở lại một số loại hình dịch vụ.

* Tại châu Âu, Quốc hội Xlô-vê-ni-a thông qua gói kích thích thứ ba trị giá khoảng 1,11 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế. Gói hỗ trợ giúp các chủ lao động bồi thường cho người dân bị mất việc do đại dịch, chủ yếu trong ngành dịch vụ.

* Ðan Mạch và Na Uy đạt thỏa thuận mở lại biên giới, theo đó, đến ngày 15-6 tới cơ bản dỡ bỏ hết các hạn chế vốn được duy trì từ nhiều tháng qua. Áo dần nới lỏng quy định về đeo khẩu trang. Hy Lạp mở cửa trở lại các sân bay cho các chuyến bay quốc tế từ ngày 15-6 tới, trùng thời điểm Thụy Ðiển mở lại các trường trung học phổ thông.

* Nga ghi nhận thêm 8.952 trường hợp mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 396.575 người. U-crai-na có thêm 393 trường hợp dương tính. Số bệnh nhân tại Bê-la-rút đã vượt 40.000 người.

* Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) thông báo, tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) trong tháng 5 giảm còn 0,1%, từ mức 0,3% của tháng 4. Viện Thống kê quốc gia I-ta-li-a (ISTAT) cho biết, trong quý I-2020, GDP của nước này giảm 5,3%, cao hơn dự báo đưa ra trước đó.

* Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc chủ trì cuộc thảo luận trực tuyến về tác động của đại dịch Covid-19 đối với các nhiệm vụ của khối. NATO cảnh báo, các thách thức an ninh không giảm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, vì thế NATO cần sẵn sàng và cảnh giác.

* Ðể giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, bệnh viện Ðại học Antwerp tại Bỉ đưa vào sử dụng rô-bốt tiếp tân. Ngoài đón khách, rô-bốt cũng có thể đo thân nhiệt, kiểm tra cách đeo khẩu trang và chỉ dẫn bệnh nhân.