I-ran chịu sức ép từ nhiều phía

Theo Roi-tơ và TTXVN, Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu kêu gọi các nước châu Âu nên cùng với Mỹ gây sức ép với I-ran, đồng thời cáo buộc Tê-hê-ran nối lại hoạt động làm giàu u-ra-ni tại một nhà máy mà I-xra-en cho là một cơ sở hạt nhân bí mật.

IAEA tổ chức họp sau sự cố liên quan thanh sát viên tại I-ran.
IAEA tổ chức họp sau sự cố liên quan thanh sát viên tại I-ran.

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Ðại sứ của Mỹ tại Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) G.Uôn-cốt tuyên bố, đã đến lúc I-ran phải trả lời các câu hỏi của IAEA về các dấu vết của u-ra-ni được tìm thấy tại cơ sở hạt nhân ở tỉnh Tuốc-cơ-da-bát đầu năm nay.

★ IAEA ngày 7-11 cho biết, I-ran đã chuyển một thùng khí u-ra-ni tới cơ sở hạt nhân Pho-đâu của nước này và đấu nối thùng khí vào các máy ly tâm ở đây, qua đó vi phạm thỏa thuận hạt nhân giữa Tê-hê-ran với các cường quốc. Tuy nhiên, IAEA không đề cập việc làm giàu u-ra-ni của I-ran. Cùng ngày, người phát ngôn Tổ chức năng lượng nguyên tử I-ran (AEOI) cho biết, với các máy ly tâm mới được lắp đặt sau bước đi thứ ba nhằm thực hiện việc cắt giảm cam kết của Tê-hê-ran đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015, năng lực làm giàu u-ra-ni của I-ran sẽ đạt mức như trước khi ký thỏa thuận. Tê-hê-ran cho biết, tổng cộng 15 máy mới được lắp đặt sau bước thứ ba.

★ Quyền Tổng Giám đốc IAEA Phê-ru-ta khẳng định, việc Tê-hê-ran cấm một thanh sát viên của cơ quan này rời I-ran là điều "không thể chấp nhận được". Tuy nhiên, Tê-hê-ran bác bỏ thông tin thanh sát viên của IAEA bị giam giữ. Trước đó, I-ran cho biết đã hủy bỏ quy chế đại diện của thanh sát viên IAEA sau khi máy dò tại cổng kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Na-tan phát hiện "các dấu vết của chất nổ" khi nữ thanh sát viên này đi qua và bà không được phép vào bên trong nhà máy để thanh sát theo quy định.