Hợp tác Việt Nam - các nước

Ngày 9-7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Mô-tê-ghi Tô-si-mi-sư đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Mê Công - Nhật Bản lần thứ 13 theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái-lan và đại diện các bộ, ngành liên quan của Việt Nam.

Các bộ trưởng nhất trí thúc đẩy chia sẻ thông tin về chính sách và biện pháp ứng phó đại dịch; tăng cường hợp tác nghiên cứu dịch tễ học và thu hút nguồn lực phục vụ phát triển và sản xuất vắc-xin, củng cố hệ thống y tế quốc gia và khu vực; bảo đảm hoạt động chuỗi cung ứng khu vực, duy trì dòng chảy thương mại và đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thích ứng hoàn cảnh mới; ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp và phát triển hạ tầng cơ sở chất lượng cao.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh sự cần thiết có cách tiếp cận toàn diện, vừa ứng phó dịch bệnh, vừa khôi phục kinh tế; khẳng định hợp tác Mê Công - Nhật Bản có thể hỗ trợ hiệu quả quá trình phục hồi kinh tế của các nước qua việc ưu tiên các lĩnh vực giúp khôi phục chuỗi cung ứng khu vực, kích thích tiêu dùng và tăng cường năng lực hệ thống y tế...

* Cùng ngày, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng thứ nhất Bộ Các vấn đề toàn cầu của Ca-na-đa M.Mo-gan đồng chủ trì Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Ca-na-đa lần thứ hai, theo hình thức trực tuyến.

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác hai nước về kinh tế, thương mại, đầu tư và nắm bắt cơ hội từ xu hướng đa dạng hóa thương mại và chuỗi cung ứng giai đoạn sau dịch bệnh; tiếp tục thúc đẩy hợp tác về an ninh - quốc phòng, y tế, giáo dục - đào tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch, hợp tác giữa các địa phương...; khẳng định phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Về hợp tác phòng, chống dịch Covid-19, hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi thông tin, tạo thuận lợi cho công dân hai bên về nước an toàn.

* Ngày 8-7, tại phiên thảo luận trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về tình hình Li-bi và hoạt động của Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Li-bi (UNSMIL), Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Ðại sứ Ðặng Ðình Quý nhấn mạnh, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan ở Li-bi chấm dứt xung đột và trở lại đàm phán hòa bình. Ðại sứ khẳng định lại tầm quan trọng thực thi các cam kết tại Hội nghị quốc tế Béc-lin về Li-bi đã được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua, cũng như tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Li-bi.

* Trong khi đó, theo Bộ Ngoại giao, trong hai ngày 8 và 9-7, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại LB Nga và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã phối hợp các cơ quan chức năng Nga đưa gần 300 công dân Việt Nam từ nhiều vùng của Nga về Việt Nam, trong đó có trẻ em dưới 18 tuổi (nhiều trẻ em dưới 2 tuổi), phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người ốm đau, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động, người đi du lịch và quá cảnh từ các nước khác bị kẹt lại, du học sinh tốt nghiệp không có nơi lưu trú do trường học và ký túc xá đóng cửa.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Nga, để tổ chức thành công chuyến bay theo kế hoạch, trong những tuần qua, Ðại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại để hỗ trợ về thủ tục, hướng dẫn công dân di chuyển từ Vla-đi-vô-xtốc, Ê-ca-tê-rin-bua, Xanh Pê-téc-bua và nhiều tỉnh, thành phố của Nga đến sân bay ở Mát-xcơ-va. Ðại sứ quán cũng cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ công dân trong quá trình làm thủ tục lên máy bay. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam thực hiện nghiêm các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Cần Thơ, những người tham gia chuyến bay đã được kiểm tra y tế và đưa về cơ sở cách ly tập trung theo đúng quy định.

* Dư luận thế giới tiếp tục nhận định tích cực về triển vọng khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19 của Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu kinh tế E.Ti-thơ, chuyên gia thuộc Cơ quan nghiên cứu kinh tế đa quốc gia UBS, Việt Nam có triển vọng trở thành một trong những nền kinh tế sáng giá nhất châu Á, dù chịu tác động từ đại dịch. Việc ứng phó thành công dịch Covid-19 giúp nâng tầm vị thế quốc gia; Việt Nam đã tận dụng lợi thế đó, nhanh chóng mở cửa trở lại các hoạt động nhằm phục hồi kinh tế, thực hiện mục tiêu kép, tiếp tục thực hiện cải cách, duy trì đà tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.

* Trang mạng Business Insider đăng bài phân tích nhấn mạnh, các chỉ số kinh tế hiện tại đã chứng minh rằng, thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội sớm và quyết liệt đã giúp Việt Nam khôi phục kinh tế nhanh và hiệu quả.

* Viện nghiên cứu Nikkei BP (Nhật Bản) có bài viết nhận định rằng, có rất nhiều điều cần học hỏi Việt Nam về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vốn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trong đó, có việc khéo léo ứng dụng công nghệ, phát triển phần mềm ứng dụng trên điện thoại phục vụ công tác thông tin, thu thập dữ liệu về dịch bệnh...