Hàn Quốc “đau đầu” xử lý các “ổ dịch” mới

NDO -

NDĐT - Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 29-5 nhận định, nếu tình trạng bùng phát Covid-19 có liên quan tới trung tâm hậu cần kho bãi không được khống chế từ giai đoạn đầu, có thể dẫn tới tình trạng lây nhiễm rộng tại thủ đô Seoul và các khu vực lân cận.

Trung tâm hậu cần kho bãi của công ty thương mại điện tử Coupang ở TP Bucheon (Ảnh: YONHAP)
Trung tâm hậu cần kho bãi của công ty thương mại điện tử Coupang ở TP Bucheon (Ảnh: YONHAP)

Điều này khiến nhà chức trách phải cấp bách xử lý, ngăn chặn bệnh dịch lây lan rộng trong cộng đồng, tránh làm hỏng các kết quả tích cực ngăn chặn bệnh dịch trước đó.

KCDC thông báo nước này đã ghi nhận thêm 58 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 11.402 ca. Trong số 58 ca Covid-19 mới, có 55 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tất cả các ca nhiễm mới đều được ghi nhận tại thủ đô Seoul và các khu vực lân cận, nơi có hơn 50 triệu dân sinh sống. Theo cơ quan y tế, số ca mắc Covid-19 tại khu vực đô thị thủ đô Seoul chiếm 88,4% trong tổng số 181 ca nhiễm trong cộng đồng trong bảy ngày qua.

Trung tâm hậu cần kho bãi của Công ty thương mại điện tử Coupang ở TP Bucheon, nằm ở phía tây Seoul đang nổi lên là “ổ dịch” nghiêm trọng sau “ổ dịch” ở khu phố giải trí Itaewon.

KCDC cho hay, tính đến 12 giờ trưa nay (giờ địa phương), số ca mắc Covid-19 liên quan tới trung tâm hậu cần này đã lên tới 102 người, còn số ca mắc Covid-19 có liên quan tới Itaewon là 266 người.

Ca mắc Covid-19 đầu tiên được xác định hồi tuần trước tại trung tâm hậu cần kho bãi của Coupang được cho là đã tiếp xúc với một người bệnh của “ổ dịch” Itaewon.

Do nhiều người làm việc trong môi trường kín và không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch, nên các trung tâm hậu cần đang trở thành nơi làm việc dễ bị tổn thương trước bệnh dịch.

Chính phủ Hàn Quốc thông báo, từ nay cho tới thứ Hai tuần sau, sẽ kiểm tra nhanh 32 trung tâm hậu cần kho bãi của ba công ty thương mại điện tử lớn. Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng thắt chặt các chỉ đạo về hạn chế số học sinh lên đến lớp học ở khu vực thủ đô Seoul.

Tại cuộc họp báo ngày 29-5, Thứ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Park Baeg-beom cho biết, Bộ này sẽ quy định các trường tiểu học và trung học cơ sở tại khu vực thủ đô Seoul chỉ cho tối đa 1/3 tổng số học sinh của trường đến lớp, và tỷ lệ này là 2/3 với học sinh trung học.

Thứ trưởng Park nêu rõ, chính phủ không cân nhắc việc đình chỉ mở cửa trở lại các trường học theo từng giai đoạn và vẫn xúc tiến giai đoạn 3 mở cửa trở lại các trường học đúng kế hoạch vào ngày 3-6 tới.

Ngoài ra, nhà chức trách Hàn Quốc cũng tiếp tục hối thúc người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như hạn chế tụ tập đông người, bao gồm cả các hoạt động tôn giáo trong kỳ nghỉ cuối tuần này.

Cũng trong ngày hôm nay, KCDC cho biết sẽ yêu cầu Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) "bật đèn xanh" cho việc nhập khẩu thuốc Remdesivir để sử dụng trong điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, người đứng đầu KCDC Jeong Eun-kyeong cho hay: “Các khuyến nghị của hội đồng đánh giá y tế trung ương cho thấy rằng loại thuốc này có hiệu quả, đặc biệt vì không có loại dược phẩm kháng virus nào khác có thể được sử dụng vào thời điểm này”.

Thuốc Remdesivir được hãng dược phẩm Gilead Sciences của Mỹ phát triển để điều trị bệnh Ebola tại châu Phi, song lại cho kết quả tích cực trong thí nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân mắc Covid-19 tại Mỹ. Qua thử nghiệm cho thấy, Remdesivir có hiệu quả kìm hãm sự phát triển của virus SARS-CoV-2 trong tế bào cơ thể người.

Trước đó, kết quả nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho thấy việc sử dụng thuốc Remdesivir có thể rút ngắn thời gian điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 15 ngày còn 11 ngày. Tỷ lệ tử vong ở nhóm có dùng thuốc là 7%, trong khi nhóm không dùng thuốc là 12%.

Hàn Quốc lại báo động nguy cơ lây nhiễm từ "ổ dịch" mới