G20 cảnh báo nguy cơ bất lợi với nền kinh tế toàn cầu

NDO -

NDĐT - Các bộ trưởng tài chính Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 17-10 cảnh báo nền kinh tế thế giới có thể phải đối mặt với nguy cơ bất lợi bất chấp những tiến triển tích cực trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và kế hoạch rời khỏi Liên hiệp châu Âu của Anh (Brexit).

Cuộc họp các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 (Ảnh: Kyodo)
Cuộc họp các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 (Ảnh: Kyodo)

Cuộc họp các Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 diễn ra hai ngày bên lề các cuộc gặp hằng năm của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra tại Washington, Mỹ. Cuộc họp do Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso chủ trì.

Phát biểu sau ngày họp đầu tiên, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Aso nói: “Chúng ta đang thấy tình trạng trì hoãn trong quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu”. Nhiều đại biểu tham gia đã chỉ ra những nguy cơ bất lợi của nền kinh tế toàn cầu và có chung cảm giác “căng thẳng”.

Trong một dự báo mới nhất đưa ra hôm thứ ba, IMF nói rằng nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng 0,3% trong năm nay, mức tăng thấp nhất trong một thập kỷ qua và giảm xuống từ dự báo hồi tháng 7 trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

IMF ước tính, kinh tế thế giới có thể sẽ thiệt hại do tranh chấp thương mại khoảng 700 tỷ USD vào năm 2020, chiếm khoảng 0,8% sản lượng kinh tế toàn cầu.

Đồng chủ trì cuộc họp G20, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda cho hay đã thấy một số cải thiện trong mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung và vấn đề Brexit, song cảnh báo chưa có vấn đề nào được giải quyết rốt ráo (như việc liệu quốc hội Anh có thông qua thỏa thuận Brexit mà Anh và EU vừa đạt được hay không) và “những rủi ro đối với nền kinh tế thế giới vẫn rất cao”.

Trong ngày làm việc thứ hai của cuộc họp G20, các bộ trưởng tài chính sẽ thảo luận về đồng tiền ảo Libra mà công ty Facebook hồi tháng 6 đã công bố hy vọng sử dụng vào năm 2020.

Hiện đang dấy lên lo ngại rằng đồng tiền ảo này sẽ có tác động đáng kể tới hệ thống tài chính nếu nó được phát hành và sử dụng rộng rãi trong thanh toán và các mục đích xử lý tài chính khác.

Mạng xã hội Facebook hiện có khoảng 2,7 tỷ người sử dụng, chiếm 1/3 dân số thế giới, tin rằng hệ thống tiền ảo Libra sẽ giúp mọi người gửi tiền qua nước ngoài với chi phí thấp hơn. Facebook cho rằng việc này hữu ích đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, nơi người dân sử dụng điện thoại di động nhưng khó tiếp cận với các ngân hàng truyền thống.

Tuy nhiên, nhiều quan ngại đặt ra về việc liệu đồng tiền ảo này có thể ngăn chặn việc rửa tiền, khủng bố tài chính và các hành động trái phép khác. Hồi tháng 7, Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển G7 đã kêu gọi sự bảo đảm “các tiêu chuẩn cao nhất về nguyên tắc tài chính” cho kế hoạch này.

Bên cạnh đó, trong ngày họp thứ hai, G20 dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề về nguyên tắc quốc tế trong bối cảnh gia tăng sự chỉ trích lên những “người khổng lồ” công nghệ của Mỹ, trong đó có Google LLC, sẽ tránh đóng được nhiều khoản thuế vì họ có thể đặt lợi nhuận ở các khu vực có quy định thuế thấp.