EU khuyến cáo các nước thành viên tạm ngừng hoạt động đi lại không thiết yếu từ Ấn Độ

NDO -

Sau khi WHO nâng mức cảnh báo về biến thể B.1.617, Ủy ban châu Âu ngày 12-5 đã kêu gọi các nước thành viên của EU tạm ngừng các hoạt động đi lại không thiết yếu từ Ấn Độ nhằm hạn chế biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan.

Người dân Ấn Độ trong lúc chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19. (Ảnh: Reuters)
Người dân Ấn Độ trong lúc chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Sau 24 giờ “chết chóc” nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, số ca tử vong do Covid-19 tại Ấn Độ đã vượt mốc 258 nghìn, với số ca tử vong cao kỷ lục trong ngày 12-5 (4.205 ca). Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, sau bốn ngày liên tiếp số ca mắc mới dao động từ 300.000 đến 400.000 ca/ngày, tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia Nam Á này sắp cán mốc 24 triệu.

Hình ảnh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cho thấy, các giàn thiêu trong bãi đỗ xe của các thành phố tại Ấn Độ luôn đỏ lửa. Nhiều thi thể dạt vào bờ sông Hằng, các bệnh viện vẫn lao đao vì thiếu giường bệnh, thuốc và oxy y tế.

Trước tình hình này, nhiều bang đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm và lệnh phong tỏa một phần hoặc phong tỏa hoàn toàn. Chính phủ liên bang cho rằng ban bố phong tỏa toàn quốc sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Cố vấn khoa học của Chính phủ Ấn Độ, ông K. Vijay Raghavan cho rằng, nước này không thể tránh khỏi làn sóng Covid-19 thứ ba.

Lãnh đạo các bang tại Ấn Độ đang hối thúc chính phủ cung cấp vaccine để ngăn chặn làn sóng thứ hai tiếp tục tàn phá các địa phương, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi không xuất khẩu vaccine, đẩy mạnh sản xuất và giúp các bang nhận được vật tư hỗ trợ khẩn cấp từ nước ngoài. 

Liên quan đến chương trình tiêm chủng, hai bang Karnataka và Maharashtra đã thông báo tạm ngừng tiêm chủng cho người từ 18 đến 44 tuổi để ưu tiên tiêm mũi thứ hai cho người từ 45 tuổi trở lên. 

Trong khi đó, Phó Thủ hiến Delhi Manish Sisodia cảnh báo, nếu không có thêm vaccine thì người dân sẽ tiếp tục bỏ mạng trong làn sóng thứ ba, thứ tư giống như cách nhiều người đã tử vong lúc này.

Ấn Độ đang phải đối mặt với thực trạng nguồn cung vaccine cạn kiệt và nhu cầu tiêm chủng rất cao. Theo dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ, tính đến ngày 13-5, nước này đã tiêm chủng cho hơn 38,2 triệu người, tương đương 2,8% dân số, trong 1,35 tỷ dân.

Giới chuyên gia chưa thể chắc chắn khi nào làn sóng thứ hai tại Ấn Độ đạt đỉnh song không khỏi lo ngại về sự lây lan của biến thể được cho là nhân tố đang đẩy nhanh đà lây nhiễm tại Ấn Độ và trên toàn thế giới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện Ấn Độ chiếm 50% số ca mắc mới và 30% số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu. Mới đây, WHO đã phân loại biến thể B.1.617 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ là “biến thể đáng quan ngại” ở cấp độ toàn cầu, song lưu ý hiện vẫn chưa rõ tất cả những ảnh hưởng mà biến thể này có thể gây ra. 

Sau khi WHO nâng mức cảnh báo về biến thể B.1.617, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các nước thành viên của Liên hiệp châu Âu (EU) tạm ngừng các hoạt động đi lại không thiết yếu từ Ấn Độ nhằm hạn chế biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan.

Trong một thông báo, Ủy ban châu Âu khuyến cáo các nước thành viên EU nên áp dụng chế độ “phanh khẩn cấp” đối với các hoạt động đi lại không thiết yếu từ Ấn Độ.

Tuần trước, Ủy ban châu Âu đã đề xuất 27 nước thành viên nới lỏng hạn chế đi lại từ tháng 6 tới để cho phép du khách nước ngoài từ nhiều quốc gia vào khối này, song vẫn hạn chế hành khách từ các nước có tình hình y tế đang diễn biến xấu đi. 

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại châu Á