Đức tung thêm gói kích cầu kinh tế, Tây Ban Nha kéo dài tình trạng khẩn cấp

NDO -

NDĐT - Để nhanh chóng khôi phục nền kinh tế, Đức vừa công bố thêm gói kích cầu kinh tế trị giá 130 tỷ euro. Đức, Italy, Pháp và Hà Lan thông báo thành lập một liên minh để đẩy nhanh phát triển và sản xuất vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, Tây Ban Nha chính thức gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm một lần nữa.

Những chiếc ô-tô mới tại cảng logistic ở Duisburg, Đức, ngày 3-6. Theo kế hoạch, ngành công nghiệp xe hơi của Đức sẽ nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ. (Ảnh: AP)
Những chiếc ô-tô mới tại cảng logistic ở Duisburg, Đức, ngày 3-6. Theo kế hoạch, ngành công nghiệp xe hơi của Đức sẽ nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ. (Ảnh: AP)

Ngày 3-6, liên minh cầm quyền trong Chính phủ Đức đã nhất trí thông qua gói kích cầu trị giá 130 tỷ euro (146 tỷ USD) để giúp các doanh nghiệp và người lao động của nền kinh tế đầu tàu của châu Âu phục hồi nhanh chóng hơn trước những tác động của dịch bệnh.

Phát biểu ý kiến trong cuộc họp báo diễn ra sau cuộc đàm phán căng thẳng thâu đêm, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: “Gói kích cầu trị giá tới 130 tỷ euro sẽ được thực hiện trong hai năm 2020-2021, trong đó chính phủ liên bang sẽ chi 120 tỷ euro... Chúng ta sẽ có một gói kích cầu kinh tế, gói kích cầu cho tương lai”. Bà Merkel nêu một số biện pháp đáng chú ý trong gói này, gồm có: giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 19% xuống còn 16% trong vòng sáu tháng, bắt đầu từ ngày 1-7; tổng giá trị của nhóm biện pháp liên quan tới giảm VAT là khoảng 20 tỷ euro. Ngoài ra, Chính phủ Đức sẽ tăng cường trợ cấp các hộ gia đình với khoản tiền 300 euro/trẻ em và tăng gấp đôi khoản hỗ trợ của chính phủ đối với những người mua xe ô-tô điện. Gói kích cầu mới còn thiết lập quỹ trị giá 50 tỷ euro để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, đổi mới và số hóa trong nền kinh tế Đức. Trước đó, trong tháng 3 vừa qua, Đức đã thông qua gói giải cứu nền kinh tế trị giá 750 tỷ euro.

Nhờ có chương trình xét nghiệm trên phạm vi rộng, hệ thống y tế vững vàng và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, Đức đã và đang duy trì số ca tử vong do Covid-19 ở mức tương đối thấp. Với 8.699 ca tử vong trong hơn 184 nghìn ca bệnh, tình hình dịch bệnh tại Đức ít căng thẳng hơn nhiều so với các nước châu Âu khác.

Ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế cũng được giảm nhẹ do Đức quyết định nước này phải vừa duy trì hoạt động của các nhà máy và công trường xây dựng, vừa tung các chương trình hỗ trợ tài chính lớn để giúp đỡ các doanh nghiệp và người làm nghề tự do trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Theo Reuters, dự báo nền kinh tế Đức sẽ giảm 6,3% trong năm 2020.

* Trong một nỗ lực chung nhằm đẩy lùi Covid-19, Bộ Y tế Hà Lan thông báo, nước này và Pháp, Đức, Italy đã thành lập một liên minh để đẩy nhanh phát triển và sản xuất vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 “trên đất châu Âu”. Thông cáo của Bộ này nêu rõ, bốn quốc gia tin rằng “một kết quả thành công đòi hỏi một chiến lược và nhiều khoản đầu tư chung”. Các nước này đang tìm hiểu các sáng kiến và thảo luận với hàng loạt công ty dược phẩm. Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Phát triển Đức Gerd Muller hối thúc, trong tương lai, vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 cần được phân phối cho mọi người. “Chúng ta chưa biết ai sẽ phát triển thành công vaccine nhưng chắc chắn vaccine phải có mặt ở mọi nơi”, ông Muller nói.

* Với 177/350 phiếu ủng hộ, Quốc hội Tây Ban Nha ngày 3-6 đã thông qua đề xuất của Thủ tướng nước này Pedro Sanchez về việc gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 21-6 tới. Đây là lần thứ sáu và cũng là lần cuối cùng Quốc hội Tây Ban Nha gia hạn tình trạng khẩn cấp để ứng phó Covid-19.

Ngày 3-6 đánh dấu ngày Tây Ban Nha ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19 kể từ ngày 31-5. Số liệu này là tín hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh tại “xứ sở bò tót” đã hạ nhiệt đáng kể. Chỉ một tháng trước, trung bình mỗi ngày Tây Ban Nha ghi nhận thêm hơn 1.000 ca bệnh và hàng trăm ca tử vong do Covid-19, gây sức ép rất lớn lên hệ thống y tế của nước này. Theo Worldometers, với hơn 287.400 ca bệnh, Tây Ban Nha đang là quốc gia có số ca bệnh đứng thứ hai tại châu Âu, sau Nga (hơn 432.200 ca). Theo Reuters, khoảng 50 nghìn nhân viên y tế của nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Số ca tử vong do Covid-19 tại Tây Ban Nha hiện là 27.128, xếp thứ tư tại châu Âu, sau Anh (hơn 39.700 ca), Italy (hơn 33.600 ca) và Pháp (hơn 29 nghìn ca).

Chính phủ Tây Ban Nha cho rằng, nhờ có các biện pháp hạn chế hoạt động và đi lại nghiêm ngặt, nước này đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong đại dịch Covid-19. Khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng, Tây Ban Nha bắt đầu xem xét cách thức nối lại ngành công nghiệp du lịch vốn chiếm khoảng 12% sản lượng kinh tế của nước này. Hôm qua, giới chức ngành công nghiệp du lịch Tây Ban Nha cho biết có thể sẽ nối lại một số hoạt động di chuyển có giới hạn từ ngày 22-6 tới, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu 10 ngày.

* WHO nối lại thử nghiệm hydroxychloroquine trong điều trị Covid-19

* Thế giới tiếp tục ghi nhận đà lây nhiễm Covid-19 giảm song khó lường

* Anh rà soát thủ tục cách ly người đến từ nước ngoài

* Dịch Covid-19 hạ nhiệt, các hãng hàng không châu Âu nối lại hoạt động