Dịch Covid-19 còn lây lan mạnh tại một số nước châu Âu

NDO -

Sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 chưa có xu hướng giảm mạnh tại các nước châu Âu. Lo ngại nguy cơ quá tải của bệnh viện, một số nước gồm Pháp, Đức hay Hà Lan vừa đưa ra một số biện pháp gắt gao hơn nhằm tránh làn sóng dịch thứ hai trong những tháng mùa thu và đông sắp tới.

Một trạm xét nghiệm di động tại thành phố Joinville-le-Pont ở ngoại ô phía đông Paris.
Một trạm xét nghiệm di động tại thành phố Joinville-le-Pont ở ngoại ô phía đông Paris.

Tại Pháp, số ca nhiễm mới vẫn ở mức rất cao với hơn tám nghìn ca trong ngày 29-9. Hiện có 6.500 người nhiễm virus Corona đang được điều trị trong biện viện. Số bệnh nhân nặng cũng tăng gần 300 ca trong vòng một tuần qua. Cơ quan Y tế Công cộng Pháp còn lo ngại về sự gia tăng của các ổ dịch tại trường học, với 285 trong tổng số 899 ổ dịch trên toàn quốc đang được điều tra dịch tễ kể từ đầu tháng 5.

Tình hình tại thủ đô Paris ngày càng đáng lo ngại khi tỷ lệ nhiễm bệnh đã lên tới 259,6 ca dương tính/100 nghìn dân vào tối 29-9. Số ca bệnh nặng ở vùng thủ đô hiện là 377, tăng gần 100 trường hợp trong vòng một tuần.

Nếu tình trạng này tiếp diễn, vùng thủ đô có nguy cơ trở thành "vùng báo động tối đa" như vùng đô thị Aix-Marseille ở phía nam, nơi đang được đặt trong tình trạng theo dõi nghiêm ngặt.

Trước tình hình đó, các bệnh viện đề nghị chính phủ tăng cường biện pháp nghiêm ngặt hơn, đồng thời kêu gọi người dân hạn chế các cuộc tụ tập sau giờ làm việc. Mục đích là để tránh sự quá tải cho các bệnh viện trong những tuần tới khi nhiều người phải nhập viện vì bệnh cúm mùa như mọi năm.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo về sự chủ quan của nhiều người không đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà vào lúc có nhiều trường hợp nhiễm bệnh mà không có triệu chứng. Hơn nữa, việc triển khai kịp thời các biện pháp gắt gao sẽ tránh được làn sóng dịch thứ hai, có khả năng khó xử lý hơn nhiều đối với các bệnh viện so với đợt trước.  

Ngày 29-9, phát biểu tại phiên họp của Quốc hội, Thủ tướng Jean Castex cho biết, tình hình tại Pháp ngày càng xấu đi. Chiến lược của chính phủ vẫn tập trung vào việc xét nghiệm sàng lọc, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và kiểm tra việc tuân thủ các biện pháp rào cản chống lây nhiễm.

Theo Thủ tướng Pháp, việc phong tỏa như lần trước sẽ có tác động rất nghiêm trọng đến hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, các biện pháp ứng phó khẩn cấp sẽ được đưa ra cho từng khu vực, nhất là ở khu vực "báo động tối đa" trong mấy ngày tới.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã thông báo một số biện pháp mới để tránh nguy cơ dịch bùng phát. Theo đó, bất kỳ khu vực nào ghi nhận 35 ca nhiễm/100 nghìn dân sẽ đưa ra quy định cấm tụ tập quá 50 người ở nơi công cộng và giảm xuống còn 25 người nếu tỷ lệ lên tới 50 ca nhiễm/100 nghìn dân.

Chính phủ và chính quyền các bang ở Đức cũng yêu cầu người dân ở những khu vực có sự lây lan nhiều nhất hạn chế tụ tập quá 10 người ở nhà. Tỷ lệ lây nhiễm ở Đức đã tăng từ 300 ca mới/ngày trong tháng 6 lên hơn hai nghìn ca/ngày.

Do dịch tiếp tục lây lan, Chính phủ Hà Lan đã đưa ra một loạt biện pháp ứng phó. Theo đó, từ ngày 29-9, các quán cà-phê và nhà hàng phải đóng cửa từ 22 giờ, khuyến khích làm việc từ xa. Nơi làm việc nào có người nhiễm phải đóng cửa trong vòng 14 ngày. Các gia đình không được tiếp đón quá ba người từ 13 tuổi trở lên. Các cuộc tụ tập ngoài trời bị giới hạn ở mức tối đa 40 người, và không quá 30 người ở các không gian kín.

Các biện pháp này được công bố từ ngày 25-9 và chỉ có hiệu lực tại các thành phố lớn ở Hà Lan, tuy nhiên các bệnh viện cảnh báo về số ca nhập viện tăng nhanh, nhất là ở Amsterdam. Trong tuần qua, có hơn 20 nghìn ca nhiễm mới được ghi nhận. Các chuyên gia y tế của nước này cho rằng, thiệt hại kinh tế có thể nghiêm trọng, nhưng không thể nguy hiểm bằng nguy cơ khó kiểm soát sự lây nhiễm.

Còn tại Italy, các biện pháp nghiêm ngặt như bắt buộc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hay đóng cửa các vũ trường được áp dụng từ tháng 8 đang mang lại kết quả tích cực.

Kể từ đầu tháng 9, chỉ có khoảng 1.500 ca nhiễm mới/ngày so với 10 nghìn ca ở Pháp. Các quan chức y tế Italy cho rằng mức độ lây lan của dịch bệnh được hạn chế nhờ sự tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống lây nhiễm của người dân do lo ngại tình trạng nguy hiểm như đợt bùng phát dịch đầu tiên.

Ngày 29-9, Bộ trưởng Y tế Italy cho biết chính phủ đang xem xét khả năng đưa máy xét nghiệm cho kết quả trong vòng 30 phút được sử dụng ở sân bay tới trường học để tăng cường xét nghiệm sàng lọc.

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường