Đại dịch Covid-19 có thể là chất xúc tác cho cuộc cải cách của WHO

NDO -

Ủy ban đánh giá độc lập ngày 19-1 cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể là chất xúc tác cho cuộc cải cách Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tương tự việc thảm họa hạt nhân Chernobyl (năm 1986) đã buộc cơ quan quản lý hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ) phải thay đổi khẩn cấp. 

Bên trong phòng điều trị tích cực tại Trung tâm y tế Santa Clara Valley, ở bang California, Mỹ. (Ảnh: AP)
Bên trong phòng điều trị tích cực tại Trung tâm y tế Santa Clara Valley, ở bang California, Mỹ. (Ảnh: AP)

Ủy ban nêu trên, vốn được thành lập để đánh giá phản ứng toàn cầu đối với Covid-19, nhấn mạnh, WHO đang thiếu năng lượng, thiếu các khoản tài trợ và cần cải cách cơ bản để có thể cung cấp cho tổ chức này những nguồn lực cần thiết nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm chết người.

Tại cuộc họp báo, đồng Chủ tịch của Ủy ban đánh giá độc lập, cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf cho biết, hội đồng không đổ lỗi cho WHO mà đưa ra các khuyến nghị cụ thể để giúp thế giới phản ứng nhanh hơn và tốt hơn trong tương lai. Theo bà Johnson Sirleaf, tổ chức này hiện không đủ năng lực và thiếu nguồn lực để thực hiện công việc như mong đợi. 

Nhiều chính phủ trên khắp thế giới, bao gồm cả Mỹ, Australia và Liên hiệp châu Âu (EU), đang kêu gọi cải tổ hoặc tái cơ cấu WHO trong bối cảnh tổ chức này bị chỉ trích về phản ứng đối với sự bùng phát của Covid-19.

Tính đến 8 giờ ngày 20-1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 96.621.459 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.065.624 ca tử vong và 69.269.968 người hoàn toàn bình phục.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 411 nghìn ca tử vong trong tổng số 24,8 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 152.747 ca tử vong trong số 10,59 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 211.511 ca tử vong trong số 8,57 triệu người bệnh.

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 177 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 154 người và CH Séc với 137 người.

Tại Đức, Chính phủ liên bang và chính quyền các bang đã nhất trí kéo dài lệnh phong tỏa hiện nay tới ít nhất ngày 14-2 tới, siết chặt một số biện pháp phòng ngừa nhằm giảm số ca lây nhiễm trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Các loại khẩu trang y tế phải được sử dụng thay cho tất cả các loại khẩu trang thông thường khi đi phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt hoặc đi mua bán. Tại những nơi công sở và các công ty, người buộc phải đi làm cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách.

Ngoài ra, người dân cũng cần giảm tiếp xúc khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cụ thể là giảm lượng hành khách để có thể bảo đảm giữ khoảng cách; áp dụng rộng rãi quy chế làm việc tại nhà; cân bằng lượng khách tham gia giao thông công cộng trong giờ cao điểm và có thể bổ sung phương tiện giao thông công cộng. Các trường học, nhà trẻ vẫn sẽ đóng cửa cho tới giữa tháng 2 tới.

Số liệu từ các cơ quan y tế Đức cho biết, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm gần 12 nghìn ca nhiễm mới với 1.163 ca tử vong. Đến nay, trên cả nước Đức có hơn hai triệu người mắc Covid-19.

Trong khi đó, Chính phủ Anh cho biết trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận thêm 1.610 ca tử vong do Covid-19, mức cao nhất ghi nhận theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số người không qua khỏi lên mức hơn 91 nghìn người. Trong 24 giờ qua, nước này cũng đã có thêm 33.355 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. 

Tại Trung Đông, các bộ trưởng trong Chính phủ Israel vừa đồng loạt thông qua việc gia hạn các biện pháp phong tỏa chặt chẽ từ nay tới ngày 31-1. Các bộ trưởng cũng tán thành đề xuất buộc những du khách nhập cảnh vào Israel phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 tiếng trước chuyến bay của họ. Hội nghị bộ trưởng đều đã nhất trí gia hạn phong tỏa thêm 10 ngày nữa.

Tại châu Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo nước này vừa thành lập một ủy ban liên bộ chuyên trách về việc triển khai kế hoạch tiêm phòng đại trà vaccine ngừa Covid-19 trên quy mô toàn quốc. Ủy ban này sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ chính phủ triển khai kế hoạch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19 một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nam Phi ghi nhận 1.356.716 ca nhiễm, chiếm 40% trong tổng số hơn 3,3 triệu ca nhiễm toàn châu Phi, bỏ xa các nước xếp liền sau như Morocco (với 461.390 ca) và Tunisia (với 184.483 ca).

Bộ Y tế Kuwait thông báo ghi nhận hai trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Đây là hai công dân Kuwait trở về từ Anh. Mặc dù hai người này đã làm xét nghiệm PCR trước khi khởi hành hồi hương, song lại có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi nhập cảnh. Các xét nghiệm tiếp theo cho thấy họ đã nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2. Trước đó, Kuwait đã quyết định đình chỉ các chuyến bay thương mại đến và đi từ Anh cho đến khi có thông báo tiếp theo, do lo ngại tình trạng lây lan biến thể mới của virus. 

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 20-1 (giờ Việt Nam):

Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 24.806.964 ca mắc, 411.486 ca tử vong
2. Ấn Độ: 10.596.442 ca mắc, 152.754 ca tử vong
3. Brazil: 8.575.742 ca mắc, 211.511 ca tử vong
4. Nga: 3.612.800 ca mắc, 66.623 ca tử vong
5. Anh: 3.466.849 ca mắc, 91.470 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 927.380 ca mắc, 26.590 ca tử vong 
2. Philippines: 504.084 ca mắc, 9.978 ca tử vong
3. Malaysia: 165.371 ca mắc, 619 ca tử vong 
4. Myanmar: 135.243 ca mắc, 2.986 ca tử vong  
5. Singapore: 59.157 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 12.594 ca mắc, 70 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.540 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 411 ca mắc
9. Brunei: 174 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 41 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 28.329.008 ca mắc, 594.438 ca tử vong 
2. Châu Âu: 27.904.996 ca mắc, 638.185 ca tử vong
3. Châu Á: 22.196.512 ca mắc, 358.903 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 14.816.205 ca mắc, 392.073 ca tử vong
5. Châu Phi: 3.324.351 ca mắc, 80.938 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 49.666 ca mắc, 1.072 ca tử vong

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba