Chông chênh hành trình vượt "bão Covid"

Mặc dù không phải là châu lục bị đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội nhất, song châu Phi cũng bị tác động nặng nề. Nguồn cung vắc-xin khan hiếm, cơ sở hạ tầng y tế yếu kém và các nền kinh tế phát triển không đồng đều khiến châu Phi gặp không ít thách thức trong hành trình chống chọi Covid-19.

Nam Phi tiếp nhận vắc-xin ngừa Covid-19 tại sân bay Giô-han-ne-xbớc. Ảnh DECCAN HERALD
Nam Phi tiếp nhận vắc-xin ngừa Covid-19 tại sân bay Giô-han-ne-xbớc. Ảnh DECCAN HERALD

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ gia tăng mạnh số ca tử vong do Covid-19 tại châu Phi khi châu lục này đã ghi nhận số người chết vì Covid-19 tăng tới 40% trong một tháng qua. Sự xuất hiện biến thể mới của Covid-19 trở thành thách thức lớn. Công tác chống dịch ở châu Phi trông chờ nhiều ở việc tiêm vắc-xin. Hơn 30 nước ở châu Phi đã trình kế hoạch sẵn sàng tiêm vắc-xin nhằm kiềm chế dịch. Giám đốc khu vực châu Phi của WHO cho biết, gần 90 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 được đàm phán thông qua chương trình COVAX được chuyển đến lục địa đen trong tháng 2 để phục vụ đợt tiêm chủng hàng loạt lớn nhất từ trước đến nay ở châu lục.

Với số vắc-xin được chuyển đến trong đợt đầu, khoảng 3% dân số châu Phi thuộc diện có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao, bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi và người mắc bệnh nan y, sẽ được tiêm phòng. Để thực hiện kế hoạch tiêm chủng cho ít nhất 20% dân số, châu Phi cần phải nhận được khoảng 600 triệu liều vắc-xin vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiến độ sản xuất và phân phối vắc-xin bị chậm trễ ở các nước phát triển, châu Phi khó bảo đảm nguồn cung vắc-xin. Tổng thống Pháp E.Ma-crông đã kêu gọi phương Tây chuyển ngay 5% số lượng vắc-xin ngừa Covid-19 hiện có cho các nước châu Phi.

Hệ thống y tế còn nhiều bất cập ở các quốc gia châu Phi gây lo ngại về công tác phòng ngừa. WHO kêu gọi các nước châu Phi sẵn sàng và chủ động hoàn thiện kế hoạch tiêm chủng cấp quốc gia. Các quy trình quản lý, hệ thống bảo quản lạnh và việc phân phối cần được thực hiện nghiêm túc để bảo đảm vắc-xin được vận chuyển an toàn từ các cảng nhập đến nơi sử dụng. WHO cũng khuyến nghị rằng, việc đào tạo một số lượng lớn nhân viên y tế của châu Phi về vắc-xin chính là chìa khóa tăng cường khả năng sẵn sàng tiêm phòng của châu lục. Người phụ trách chương trình sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp của WHO, ông A.Ta-li-xu-na cho biết: "Cần huấn luyện và chuẩn bị cho các nhân viên y tế châu Phi để tiêm phòng hiệu quả. Cũng cần thuyết phục các nhà hoạch định chính sách và những người quản lý vắc-xin ở cấp quốc gia và địa phương cải thiện khả năng thực hiện miễn dịch cộng đồng chống Covid-19". WHO đã hỗ trợ huấn luyện cho nhân viên y tế châu Phi các kỹ năng quan trọng liên quan chiến dịch tiêm phòng, như việc bảo quản lạnh, logistics và phát hiện các tác dụng phụ khi tiêm. Dự án ECHO (hợp tác giữa WHO với sáng kiến quốc tế tập huấn chăm sóc y tế online) sẽ giúp xây dựng năng lực nhằm tạo điều kiện cho tiêm chủng hiệu quả tại châu Phi. WHO cho biết sẽ thúc đẩy công nghệ và cải tiến để huấn luyện các nhân viên tiêm phòng, tạo điều kiện học hỏi lẫn nhau và chia sẻ kiến thức xuyên biên giới, qua đó giải quyết tình trạng thiếu thông tin vốn ngăn cản mọi người chấp thuận tiêm phòng.

Hội đồng An ninh và hòa bình của Liên minh châu Phi (PSC) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về xu hướng "chủ nghĩa dân tộc vắc-xin" đe dọa loại các nước thu nhập thấp khỏi "cuộc đua" tiếp cận nguồn cung vắc-xin phòng Covid-19, dẫn tới những tác động tiêu cực đối với sự phục hồi kinh tế - xã hội của các nước thành viên Liên minh châu Phi (AU). PSC hối thúc một cách tiếp cận công bằng và chung để bảo đảm tất cả các nước được cung cấp vắc-xin. Lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế tại các nước thành viên AU bị gây ra bởi đại dịch, PSC cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế giảm, xóa và tái cơ cấu nợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề của xung đột, khủng bố và bạo lực ở châu Phi; đồng thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với một số quốc gia.