Châu Âu tăng cường biện pháp phòng, chống Covid-19

NDO -

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 8 giờ ngày 9-10 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 36.738.688 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.066.412 ca tử vong. Số ca nhiễm mới tiếp tục tăng ở nhiều quốc gia.

Nhân viên y tế tại một khu điều trị Covid-19 ở Pháp. (Ảnh: Reuters).
Nhân viên y tế tại một khu điều trị Covid-19 ở Pháp. (Ảnh: Reuters).

Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 7.833.762 ca nhiễm và 217.738 ca tử vong. Ấn Độ có số ca mắc nhiều thứ hai thế giới và nhiều nhất châu Á, với 6.903.812 ca nhiễm và 106.521 ca tử vong. Brazil có số ca mắc cao thứ ba thế giới và nhiều nhất Nam Mỹ, với 5.029.539 ca mắc và 149.034 ca tử vong. Nga có số ca mắc nhiều thứ tư thế giới và nhiều nhất châu Âu, với 1.260.112 ca mắc và 22.056 ca tử vong.  

Tại Mỹ, bác sĩ của Nhà Trắng, ông Sean Conley ngày 8-10 thông báo, Tổng thống Donald Trump đã phản ứng "cực kỳ tốt" đối với việc điều trị Covid-19, theo đó sẽ có thể nối lại "các cuộc giao thiệp công khai" từ ngày 10-10 tới.  

Trong khi đó, đội ngũ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump thông báo ông Trump đã đồng ý lùi hai cuộc tranh luận còn lại với ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden tới ngày 22 và 29-10. Thông báo có đoạn: "Chúng tôi đã nhất trí rằng sự kiện này sẽ diễn ra vào ngày 22-10 và do đó, cuộc tranh luận thứ ba sẽ lùi lại một tuần vào ngày 29-10. Người Mỹ xứng đáng được lắng nghe trực tiếp từ cả hai ứng cử viên tổng thống vào những ngày đó, 22 và 29-10".

Tại châu Âu, Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức đã đưa thủ đô Berlin vào danh sách khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19. Thông báo của chính quyền Berlin cho biết tỷ lệ mắc Covid-19 mới tại thủ đô trong một tuần qua đã tăng lên mức 52,8 ca trên 100.000 dân, cao hơn mức giới hạn 50 ca/100.000 dân/tuần. Điều này đồng nghĩa với việc người dân đến từ Berlin và những nơi nằm trong danh sách khu vực có nguy cơ lây lan Covid-19 cao sẽ phải cách ly 14 ngày và không được lưu trú tại các khách sạn cũng như nhà nghỉ trên toàn nước Đức, ngoại trừ ở hai bang Bremen và Thüringen.

Trước tình hình số ca nhiễm mới tăng cao trong nhiều ngày liên tiếp, từ ngày 6-10, chính quyền thành phố Berlin đã quyết định siết chặt các quy định về phòng chống dịch, trong đó có việc áp đặt lệnh giới nghiêm và hạn chế tụ tập xã hội. Theo đó, từ ngày 10-10, các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán rượu và quán bar sẽ phải đóng cửa từ 23 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau. Quy định này sẽ kéo dài đến hết ngày 31-10 và chỉ  được xem xét điều chỉnh lại tùy theo diễn biến thực tế của dịch bệnh.

Lo ngại bộ phận hồi sức cấp cứu bị quá tải, nhiều bệnh viện tại thủ đô Brussels (Bỉ) cho rằng trong những ngày tới, họ cần phải chuyển bớt số người bệnh Covid-19 sang các bệnh viện bên ngoài thủ đô. Theo Tổng Giám đốc mạng lưới bệnh viện Brussels, ông Étienne Wéry, số người bệnh Covid-19 hiện đã chiếm 1/5 cơ số giường hồi sức cấp cứu tại các bệnh viên ở Brussels, trong khi đó nhân lực và thiết bị của bệnh viện phải phục vụ cho các hình thức hồi sức cấp cứu khác.

Ông Wéry cho biết, nếu việc chuyển viện cho các bệnh nhân mắc Covid-19 không được tiến hành thì mạng lưới bệnh viện của Brussels sẽ phải kích hoạt phương án 1B, Theo đó, 50% số giường hồi sức cấp cứu sẽ phải giành cho người bệnh Covid-19 và điều này có nguy cơ ảnh hưởng tới công tác chăm sóc các bệnh nhân về tim mạch, ung thư, phổi… 

Trước tình trạng báo động về sự lây lan nhanh của dịch Covid-19, Chính phủ Cộng hòa Séc đã tăng cường siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, nhằm hạn chế các sự kiện văn hóa và hoạt động thể thao đông người trong hai tuần tới.

Theo đó, từ ngày 9-10, Chính phủ Séc yêu cầu đóng cửa các phòng tập gym và bể bơi; các nhà hàng, quán bar đóng cửa trước 20 giờ và không bố trí quá bốn người ngồi một bàn (riêng các quán ăn nhanh ở trung tâm thương mại bố trí không quá hai người ngồi một bàn). Từ ngày 12-10, các nhà hát, rạp chiếu phim, khu thể thao trong nhà đóng cửa trong vòng hai tuần. Ngoài ra, các trường trung học cơ sở sẽ chuyển sang hình thức luân phiên học trên lớp và học từ xa.

Trước đó, Chính phủ Séc đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong vòng 30 ngày kể từ ngày 5-10, trong đó quy định cấm tụ tập hơn 10 người đối với sự kiện trong nhà và hơn 20 người đối với sự kiện ngoài trời.
    
 Tại châu Phi, Chính phủ Morocco đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế cho đến ngày 10-11, một phần trong nỗ lực chống lại sự lây lan của đại dịch Covid-19. Quyết định này cũng yêu cầu duy trì các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, đồng thời bảo đảm rằng các biện pháp được thực hiện ở nhiều cấp độ (khu vực, quận hoặc tỉnh thành) phù hợp với sự phát triển của tình hình dịch tễ học. 

Morocco đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế lần đầu tiên vào ngày 20-3 và đã được gia hạn nhiều lần vì sự gia tăng mạnh số ca nhiễm bệnh tại quốc gia Bắc Phi này.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 9-10:

Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 7.833.762 ca mắc, 217.738 ca tử vong
2. Ấn Độ: 6.903.812  ca mắc, 106.521 ca tử vong
3. Brazil: 5.029.539 ca mắc, 149.034 ca tử vong
4. Nga: 1.260.112 ca mắc, 22.056 ca tử vong
5. Colombia: 886.179 ca mắc, 27.331 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Philippines: 331.869 ca mắc, 6.069 ca tử vong
2. Indonesia: 320.564 ca mắc, 11.580 ca tử vong
3. Singapore: 57.849 ca mắc, 27 ca tử vong
4. Myanmar: 22.445 ca mắc, 535 ca tử vong 
5. Malaysia: 14.368 ca mắc, 146 ca tử vong
6.  Thái Lan: 3.600 ca mắc, 59 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.100 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 281 ca mắc
9. Brunei: 146 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 23 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 11.515.699 ca mắc, 208.357 ca tử vong 
2. Bắc Mỹ: 9.390.749 ca mắc, 323.424 ca tử vong
3. Nam Mỹ: 8.518.503 ca mắc, 267.685 ca tử vong
4. Châu Âu: 5.724.900 ca mắc, 228.538 ca tử vong
5. Châu Phi: 1.556.017 ca mắc, 37.452 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 32.099 ca mắc, 941 ca tử vong

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường