Chạm mốc 9,7 triệu ca Covid-19, đại dịch đang diễn biến xấu trên toàn cầu

NDO -

NDĐT - Thống kê của trang Worldometer, tính đến 7 giờ sáng ngày 26-6 (giờ Việt Nam), trong vòng 24 giờ qua, thế giới có thêm 176.907 (hơn gần 4 nghìn ca so với một ngày trước) ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên tới 9.699.575 ca. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 5.252.543 người.

Nhân viên y tế tại Indonesia kiểm tra thân nhiệt của người dân khi nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao kỷ lục (Ảnh: THX)
Nhân viên y tế tại Indonesia kiểm tra thân nhiệt của người dân khi nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao kỷ lục (Ảnh: THX)

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 25-6 nhận định, diễn biến dịch đang xấu đi trên toàn cầu với số ca mắc bệnh dự kiến lên tới 10 triệu người, trong khi số ca tử vong chạm mức 500.000 vào tuần tới.

Mỹ vẫn đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới với 2.502.311 ca nhiễm và 126.728 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Brazil với 1.233.147 ca nhiễm và 55.054 ca tử vong.

Tại Mỹ, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát tại New York, số người phải nằm viện vì Covid-19 đã xuống chỉ còn khoảng 1.000 người. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo tuyên bố thành phố New York, tâm dịch nặng nhất của bang, đang tích cực chuẩn bị và sẽ chính thức mở cửa lại giai đoạn 3 vào ngày 6-7 tới.

Trong khi đó, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết khi thành phố này mở lại giai đoạn 3, các hoạt động thể thao sẽ được mở lại, trong đó có nhiều môn phổ biến như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt và bóng rổ, đồng thời các nhà hàng, quán ăn cũng sẽ được phép cho khách ngồi ăn trong nhà. Từ một điểm dịch nóng nhất của nước Mỹ, thành phố New York hiện có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp nhất nước Mỹ và tỷ lệ xét nghiệm dương tính hàng ngày chỉ ở mức 1%.

Tại bang Texas thông báo tạm ngừng việc mở cửa lại nền kinh tế trong bối cảnh các bệnh viện trở nên quá tải với số ca nhiễm mới cũng như tử vong vì dịch Covid-19 tăng lên mức cao nhất trong ngày. Chính quyền kêu gọi tất cả người dân tuân theo các hướng dẫn như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và thực hiện giãn cách xã hội nhằm làm chậm sự lây lan của dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, một số chuyên gia y tế cảnh báo nhiều bang có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát, trong khi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho rằng số ca mắc bệnh thực sự có thể lên tới 20 triệu người, hơn 10 lần con số chính thức, trong đó có nhiều ca không biểu hiện triệu chứng và dễ trở thành nguồn truyền bệnh.

Tại Mexico, ngày 25-6, Bộ Y tế thông báo số ca tử vong do Covid-19 đã lên đến 25.060 người, tăng 736 ca trong vòng 24 giờ qua. Số ca nhiễm mới đã tăng thêm 6.104 ca lên 202.951 ca. Ngoài số ca tử vong trong nước, ước tính hơn 1.400 công dân Mexico đã tử vong do Covid-19 tại Mỹ. Thống kê cho thấy trong vòng 25 ngày qua, trung bình Mexico ghi nhận trên 4.000 ca nhiễm mới/ngày và hơn 500 ca tử vong/ngày.

Bộ trưởng Tài chính và Tín dụng công Mexico, Arturo Herrera cùng ngày thông báo đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là quan chức cấp cao thứ 5 của Mexico mắc Covid-19, sau Bộ trưởng Hành chính công, Giám đốc Viện Bảo hiểm Xã hội, và 2 thống đốc của bang Hidalgo (Hi-đan-gô) và Querretaro.

Tại khu vực Trung Mỹ, bất chấp những biện pháp mạnh của chính phủ, số ca mắc Covid-19 ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador tiếp tục tăng mạnh với tổng số ca nhiễm là 66.447 người, trong đó có 1.720 ca tử vong.

Tại châu Âu, Giám đốc khu vực WHO Hans Kluge cảnh báo, khoảng 30 quốc gia châu Âu đang chứng kiến tình trạng gia tăng số ca mắc Covid-19 trong hai tuần qua.

“11 trong số các quốc gia này đang có sự gia lây nhiễm nhanh chóng trong cộng động dẫn tới tình trạng tái bùng phát đáng kể. Nếu bỏ qua việc kiểm tra, xét nghiệm sẽ đẩy các hệ thống y tế ở châu Âu một lần nữa tới bờ vực”, ông Kluge nói.

Bất chấp các cảnh báo của WHO và các chỉ dẫn của chính quyền về các biện pháp ngăn chặn Covid-19, trong ngày hôm qua, hàng nhìn người đã “đổ bộ” đông nghẹt bãi biển tại thị trấn Bournemouth ở Anh để tắm nắng trong ngày nóng nhất trong năm.

Na Uy, nơi vẫn áp dụng một số hạn chế du lịch nghiêm ngặt nhất, cho biết sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế với các quốc gia Schengen và EU vào giữa tháng 7.

Trong khi đó tại Italy, Bộ Y tế nước này cho biết trong vòng 24 giờ ghi nhận thêm 296 ca mắc Covid-19 mới, nhưng tổng số ca mắc Covid-19 đang điều trị tính đến hết ngày 25-6 còn 18.303 ca, giảm từ mức 18.655 ca hôm 24-6. Trong ngày 25-6, chính quyền vùng Campania ở phía Tây Nam nước này đã phải huy động quân đội tới giám sát ổ dịch tại thành phố Mondragone sau khi một số trường hợp mắc Covid-19 tìm cách rời khỏi khu vực cách ly.

Cơ quan chức năng cho biết một nhóm người Bulgaria cư trú trong khu Palazzi ex Cirio ở Mondragone đã phản đối các biện pháp hạn chế tại ổ dịch này, nơi ghi nhận 49 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19). Căng thẳng đã xảy ra giữa cảnh sát và số công dân Bulgaria cố tìm cách rời khỏi khu vực này.

Tại châu Á, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sáng 26-6 thông báo Trung Quốc đại lục có thêm 13 ca mắc Covid-19, trong đó có 11 ca mắc trong nội địa và hai ca nhập cảnh. Tất cả 11 ca mắc trong nội địa đều ở Bắc Kinh. Trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục tiếp tục không ghi nhận thêm ca tử vong do Covid-19. Tại TP Vũ Hán, từng là tâm dịch Covid-19 của Trung Quốc, cuộc sống thường nhật đã trở lại dần khi hơn 70% các sự kiện thể thao ngoài trời đã được tổ chức cho công chúng, và 80% sự kiện thể thao trong nhà đã được tổ chức lại.

Tại Israel, ngày 26-6, Bộ Y tế Israel công bố thêm 668 trường hợp nhiễm virus corona, nâng tổng số ca nhiễm hiện tại lên hơn 22.712. Các chuyên gia y tế dự báo Israel có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần 2 do tỷ lệ lây nhiễm vẫn tăng mạnh.

Các chuyên gia cũng dự đoán số ca nhiễm Covid-19 có thể sẽ lên tới hàng nghìn vào tuần tới. Ngày 26-6, đã có thêm một ca tử vong, nâng tổng số lên 309 ca.

Tại châu Phi, Côte d’Ivoire ngày 25-6 tuyên bố sẽ mở cửa biên giới trở lại từ ngày 1-7 tới và nối lại các chuyến bay quốc tế bị đình chỉ suốt 3 tháng qua vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Côte d'Ivoire là một trong những quốc gia châu Phi đầu tiên tuyên bố nối lại các chuyến bay quốc tế. Nước này đã nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 cách đây khoảng một tháng, với việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, mở cửa các trường học cũng như các cửa hiệu và nhà hàng, trừ các địa điểm giải trí và hộp đêm.

Cùng ngày, một quốc gia ở Nam Phi là Zambia cũng tuyên bố mở lại biên giới trên không để khôi phục nền kinh tế. Trong khi đó, Liberia dự kiến sẽ mở lại sân bay quốc tế Monrovia vào 29-6 tới.