Cam kết của chính phủ mới tại Italy

Quốc hội Italy mới đây chính thức thông qua thành phần chính phủ liên minh do Thủ tướng G.Conte đứng đầu, chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần một tháng tại nước này. Chính phủ mới của Italy đã đưa ra các cam kết nhằm thúc đẩy phát triển đất nước trong thời gian tới, đồng thời cũng tìm kiếm sự ủng hộ từ phía Liên hiệp châu Âu (EU).

Thủ tướng Italy G.Conte (bên trái) gặp lãnh đạo EC tại Brussels, Bỉ. Ảnh REUTERS
Thủ tướng Italy G.Conte (bên trái) gặp lãnh đạo EC tại Brussels, Bỉ. Ảnh REUTERS

Với 169 phiếu thuận, 133 phiếu chống và năm phiếu trắng, Thượng viện Italy chính thức thông qua thành phần chính phủ của liên minh ba đảng là Phong trào 5 sao (M5S), Dân chủ (PD), Tự do và Công bằng (LeU) do Thủ tướng G.Conte đứng đầu. Trước đó, chính phủ của Thủ tướng G.Conte cũng vượt qua vòng bỏ phiếu tín nhiệm về chương trình chính sách mới, trong đó bao gồm kế hoạch ngân sách năm 2020, tại Hạ viện với kết quả 343 phiếu thuận và 263 phiếu chống. Chính phủ liên minh mới được thông qua đã kết thúc những lo ngại về một cuộc bầu cử sớm hay cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Italy.

Chính phủ Italy rơi vào cuộc khủng hoảng do những rạn nứt trong liên minh cầm quyền giữa đảng Liên đoàn và M5S khó có thể hàn gắn. Ðảng Liên đoàn đã rút khỏi liên minh với M5S, đồng thời đề xuất bầu cử sớm. Ngày 20-8 vừa qua, ông G.Conte tuyên bố từ chức Thủ tướng Italy, buộc Tổng thống S.Mattarella phải tiến hành các cuộc tham vấn với các chính đảng nhằm tìm giải pháp sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị. Ngày 28-8, đảng M5S và PD đạt được thỏa thuận thành lập một chính phủ liên minh mới, giúp Italy tránh được cuộc bầu cử trước thời hạn. Ông G.Conte cũng được chỉ định tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng trong chính phủ mới.

Với việc được Quốc hội lưỡng viện Italy thông qua, chính phủ mới của Thủ tướng G.Conte sẽ có 21 bộ, trong đó, ba đảng liên minh nắm giữ 20 ghế bộ trưởng và vị trí Bộ trưởng Nội vụ được trao cho một nhân vật trung lập, không thuộc đảng nào. Chính phủ liên minh M5S - PD - LeU cam kết thực hiện chính sách kinh tế mở, thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng với các ưu tiên hoãn tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng mức lương tối thiểu, tăng trợ cấp phúc lợi xã hội, đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ số, đầu tư phát triển kinh tế cho khu vực miền nam, cam kết theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững. Cải cách Hiến pháp, luật bầu cử, cắt giảm số lượng nghị sĩ và xem xét lại các đạo luật an ninh mới được ban hành cũng là những mục tiêu ưu tiên của chính phủ mới. Bên cạnh đó, trong quan hệ với EU, Italy đặt mục tiêu trở thành một trong những bên quan trọng của giai đoạn tái khởi động và làm mới EU; thúc đẩy những thay đổi cần thiết trong các quy định của EU hiện nay; giảm các ràng buộc của EU với Italy trong vấn đề nợ công và tăng trưởng.

Nhằm tìm kiếm sự ủng hộ các chính sách của chính phủ mới, Thủ tướng G.Conte vừa có các cuộc gặp với lãnh đạo EU tại Brussels, Bỉ. Trả lời báo chí sau cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) mới đắc cử U.Lây-en, Chủ tịch EC đương nhiệm G.Giăng-cơ và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Ð.Tu-xcơ, ông G.Conte nêu rõ, mục tiêu của Chính phủ Italy là giảm nợ công thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đầu tư. Ông G.Conte bày tỏ hy vọng, EU sẽ hỗ trợ kế hoạch của Rô-ma và cho chính phủ mới thêm thời gian nhằm giảm nợ công. Nhà lãnh đạo Italy cho biết, Italy cần thời gian nhằm đạt được các mục tiêu tài chính và đầu tư vào các dự án số hóa, định hướng hệ thống công nghiệp theo hướng nền kinh tế "xanh", cũng như phục hồi khu vực miền nam kém phát triển.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's nhận định, sự hình thành chính phủ liên minh mới sẽ tạo nên thời kỳ ổn định chính trị tại Italy và quốc gia Nam Âu này cũng có thể sớm trình lên EU dự thảo ngân sách năm 2020. Cuộc khủng hoảng chính trị kết thúc mở ra cơ hội để Italy tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn trong nước cũng như những vướng mắc với Brussels; đồng thời triển khai chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế, tăng cường vai trò trong EU.